Đồng Tháp Mười (ĐTM) là vùng trũng rộng lớn, hoang hóa nằm trọn ở hạ lưu sông Cửu Long. Từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có chủ trương tiến công giãn dân, đưa dân trở về quê cũ làm ăn, sinh sống, khai thác ĐTM. Khai hoang ĐTM là một trong những chủ trương mang lại hiệu quả lớn, biến vùng đất hoang hóa ngàn đời thành cơ hội làm giàu và đổi đời cho nhiều nông dân lam lũ.
Kết quả vượt mong đợi
ĐTM có chiều ngang khoảng 120km và chiều dọc khoảng 60km thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, chiếm 17,72% diện tích tự nhiên của ĐBSCL. Trước đây ĐTM là vùng khó khăn nhất. Ngày mới giải phóng, cả một vùng ĐTM rộng lớn bị bỏ hoang, công nghiệp hầu như không có gì. Đường sá chỉ vài trục lộ từ tỉnh về một số huyện, phương tiện đi lại chủ yếu bằng đường thủy với các loại xuồng, ghe nhỏ. Trước đó cũng đã có nhiều dự án khai thác vùng đất hoang hóa này và cũng đã thực hiện nhiều công trình giao thông, thủy lợi nhưng cũng chưa đủ sức khai phá ĐTM trên quy mô rộng lớn. Sau ngày thống nhất đất nước, các chuyên gia Liên Xô, Hà Lan cũng đã đến nghiên cứu “trị phèn” cho vùng ĐTM, nhưng chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo “đừng chọc dậy túi phèn ĐTM”.
Từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang đề ra chủ trương “Tiến công vào ĐTM”. Chương trình thực hiện khá thành công, kết quả vượt bậc, tạo ra sự chuyển biến mà bao đời nay chưa làm được. 3 tỉnh đã tiến hành cải tạo đất gắn với hợp tác hóa, xây dựng 27 nông trường quốc doanh. Các nhà khoa học đã nghiên cứu kết hợp thủy lợi với giao thông, dẫn nước từ sông vào ngọt hóa ĐTM, tập trung mở rộng sản xuất. Giai đoạn từ năm 1986 đến 2009, ĐTM đã phát triển toàn diện.
Kết quả là đã biến một vùng rộng lớn đất hoang hóa, 70% là đất phèn thành vùng đất thuộc. Từ chỗ chỉ trồng lúa mùa nổi một vụ, năng suất chưa đầy 2 tấn/ha đã chuyển sang trồng lúa 2 vụ, 3 vụ giống ngắn ngày có năng suất cao.
Dân số của vùng ĐTM từ 604.714 người năm 1975 lên 1.072.431 người năm 2009; mật độ dân số từ 234 người/km2 lên 415 người/km2. Diện tích lúa cả năm tăng từ 92.286 ha năm 1975 lên 353.287 ha, năng suất tăng từ 1,9 tấn/ha lên 5,9 tấn/ha và sản lượng tăng từ 184.168 tấn lên 2.102.698 tấn. Bình quân lương thực đầu người từ 305 kg lên 1.661 kg/người/năm...
Đến năm 1990, 3 tỉnh vùng ĐTM đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu quan trọng về sản lượng lúa hàng hóa, điều động dân cư, xây dựng mạng lưới điện, đặc biệt là xây dựng được cơ chế quản lý mới. Giai đoạn từ 1991 đến nay, vùng ĐTM được khai thác theo hướng phát triển tổng hợp gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hình thành tam giác phát triển mới
Khi hệ thống giao thông xuyên ĐTM hoàn chỉnh, nhất là 2 tuyến N1, N2, sẽ rút ngắn khoảng cách từ TPHCM đến trung tâm ĐTM. Từ đó, các nhà đầu tư sẽ xem ĐTM là địa điểm lý tưởng vì các khu vực xung quanh TPHCM công nghiệp đã lấp đầy. Đặc biệt, nếu biết phát huy nguồn lực đúng mức, vốn đầu tư chắc chắn sẽ dồn về.
Để phục vụ yêu cầu này, theo chúng tôi, việc quy hoạch xây dựng thành phố ĐTM ngay trung tâm ĐTM hiện nay là hết sức cần thiết. Qua đó sẽ tạo ra tam giác phát triển TPHCM - ĐTM - Cần Thơ. Tam giác này sẽ tạo ra sự bứt phá cho ĐTM và cả khu vực ĐBSCL. Điều này cũng phù hợp với phương án đề xuất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời là xây dựng ở ĐTM một khu kinh tế đặc thù. Thế nhưng, vào lúc bấy giờ, thời cơ chưa tới.
Trước đây, khi tiến công vào ĐTM, chúng ta xem giao thông là biện pháp hàng đầu. Ngày nay, phát triển ĐTM trong giai đoạn mới, giao thông tiếp tục đi trước một bước là yêu cầu cấp thiết. Hiện tại, người dân trong vùng ĐTM đa phần còn nghèo. Muốn vươn lên làm giàu phải tạo ra nhiều hoạt động dịch vụ và sản xuất sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn.
Rất mong các nhà lãnh đạo, các nhà quy hoạch, các nhà nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm Trung Quốc xây dựng TP Thượng Hải từ một làng chài hẻo lánh, nghèo khổ thành một trong những thành phố nguy nga, tráng lệ chỉ trong vòng 15 năm.
Mong rằng từ một căn cứ địa cách mạng của các thời kỳ kháng chiến, một vùng đất khó khăn bậc nhất của ĐBSCL sẽ mọc lên một đô thị xứng tầm để tạo sự bứt phá trong phát triển ĐTM nói riêng và phát triển ĐBSCL nói chung, góp phần làm giàu đất nước.
TS NGUYỄN VĂN ĐÚNG
Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp