- Công nhận cây khế, cây Sộp tại Khu di tích Mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc là Cây di sản
(SGGPO).- Sáng 18-12 (nhằm 27-10 âm lịch), tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 85 của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ giỗ được tổ chức trong khuôn viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, phường 4, thành phố Cao Lãnh với sự tham dự của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, đại diện lãnh đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh, thành phố và dòng tộc Nguyễn Sinh cùng đông đảo người dân.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: “Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đồng Tháp luôn tự hào được thay mặt gia đình, dòng họ Nguyễn Sinh và đồng bào cả nước chăm sóc, gìn giữ nơi yên nghỉ của Cụ, để nơi đây trở thành di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, điểm du lịch hấp dẫn nhất ở khu vực ĐBSCL”.
Tại buổi lễ, các mạnh thường quân cũng đã đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng cho Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc. Sau 4 năm, Quỹ đã huy động được gần 43 tỷ đồng, xét cấp gần 17.300 suất học bổng với tổng giá trị hơn 23,5 tỷ đồng.
* Cũng trong ngày 18-12, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức lễ công nhận cây Khế, cây Sộp tại Khu di tích mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là cây Di sản Việt Nam.
Cây Khế - 287 năm tuổi và cây Sộp - 326 năm tuổi, được ông Ngô Văn Hay tức thầy giáo Kỳ ở làng Tân Hưng, Sa Đéc trước đây vì mến mộ và biết ơn Cụ Phó bảng đã hiến tặng cho Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào năm 1977. Đây là những thực thể sống đã trường tồn cùng thời gian, là minh chứng lịch sử của Đồng Tháp trong suốt gần 3 thế kỷ.
Cây Sộp 326 tuổi vừa được công nhận cây di sản Việt Nam
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hòa Bình - đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận cây Khế, cây Sộp là 2 cây Di sản Việt Nam cho ông Nguyễn Công Lý, đại diện Khu di tích Mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đồng thời kêu gọi mọi người cùng nhau gìn giữ lâu dài những di sản vô giá này cho con cháu mai sau. Qua đó, tiếp tục bảo tồn nguồn gen tiêu biểu của nước ta, giới thiệu phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với bạn bè thế giới.
* Ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) cho biết, ngày 18-12 (tức 27-10 năm Giáp Ngọ), tại Khu di tích Kim Liên, UBND tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn, dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân và nhân dân xã Kim Liên đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 85 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dịp này, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước đã trao tặng Khu di tích Kim Liên phiên bản mộc bản khắc về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đây là tài liệu có giá trị nằm trong bộ sách Quốc triều Hương khoa lục, ghi chép thông tin về thân thế và con đường khoa cử của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bằng chữ Hán, gồm các thông tin “Quê quán: Chung Cự, Nam Đàn; đỗ Cử nhân năm 21 tuổi; đỗ Phó bảng; làm quan tới chức Tri huyện, huyện Bình Khê”.
Được biết, mộc bản khắc về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nằm trong hệ thống mộc bản triều Nguyễn, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu của nhân loại năm 2009.
VĂN KHƯƠNG- DUY CƯỜNG