Sững sờ và ngây ngất bởi không thể tin rằng đất nước mình có một nơi làm mê hoặc lòng người đến thế. Vâng, sẽ còn biết bao lời có cánh nói về nơi đây: Động Thiên Đường.
Thiên nhiên bừng thức
Quảng Bình, dải đất hẹp miền Trung với khí hậu khắc nghiệt bỗng nhiên lóe sáng trong khoảng trên dưới 20 năm trở lại đây. Sự bừng thức của Quảng Bình có người ví như hình ảnh chàng Thánh Gióng vươn vai. Cái vươn vai ấy bắt đầu khi người ta phát hiện ra sự kỳ vĩ, phong phú, đa dạng hiếm thấy của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống hang động chấn động thế giới. Thế rồi người ta lại phát hiện hang Sơn Đoòng mà thế giới chưa hang nào lớn như thế.
Chưa dừng lại, và chắc hẳn còn nhiều khám phá gây sửng sốt về sau, năm 2005, ông “vua hang động” Hồ Khanh đã đưa đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh đến với một cửa động nhỏ xíu chỉ chừng hơn 4m², lẫn vào cây cối, đá núi... Qua cái cửa hang nhỏ hẹp ấy là sự bắt đầu của một sự bừng thức khác: Động Thiên Đường!
Thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Bình, cho Việt Nam một báu vật mà để tạo ra phải mất hàng triệu triệu năm. Quá sửng sốt trước vẻ đẹp của nó, những người phát hiện đã đặt tên Thiên Đường cho động. Động Thiên Đường cách thành phố Đồng Hới hơn 60km về hướng Tây Bắc và chỉ cách đường Hồ Chí Minh hơn 4km.
Đường đến động Thiên Đường phải đi qua khu vực vào động Phong Nha khoảng hơn 20km, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Động nằm trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có niên đại hình thành cách đây khoảng 350 - 400 triệu năm.
Chiều dài của động tới 31,4km, chiều cao 60m, bề rộng dao động từ 30m đến hơn 150m, nằm ở độ cao 360m so với mặt nước biển. Động Thiên Đường theo nhận định và đánh giá của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh là hang động khô dài nhất châu Á. Đặc biệt, hệ thống măng đá, nhũ đá ở đây có vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, kỳ vĩ ngoài sức tưởng tượng.
Thỏa “cơn khát thẩm mỹ”
Quả là món quà kỳ vĩ của thiên nhiên. Cảnh trí hiện ra trước mắt như thực như hư đến độ nhiều lúc không tin vào mắt mình. Nào là cung Thạch Hoa Viên với khối thạch nhũ như tượng Đức Mẹ đồng trinh bế hài đồng; cung Giao Trì là nơi Ngọc Hoàng bàn việc chốn Thiên đình, xung quanh là các tượng kỳ lân, phượng hoàng... Rồi cung Quảng Hàn với khối thạch nhũ rủ xuống như bức rèm the, đây chốn quần tiên hội tu, kia là thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh, nọ là con đại bàng khổng lồ như đang sà xuống, chỗ này là nhà rông Tây Nguyên, chỗ kia là những đụn rơm quen thuộc nơi làng quê...
Quả thật không thể kể hết được. Càng đi vào sâu, không khí càng mát lạnh, trong lành. Đặc biệt, ở động Thiên Đường có nhũ đá màu xám, trên thế giới cho đến nay mới tìm thấy duy nhất ở Việt Nam.
Khác với nhiều hang động khác ở Việt Nam, ở động Thiên Đường người ta làm hệ thống cầu thang bằng gỗ táu có tay vịn để du khách tham quan. Hiện nay hệ thống cầu thang gỗ mới làm được hơn 1km, dự kiến có thể kéo dài vài kilômét nữa. Cũng khác nhiều động, ở động Thiên Đường hệ thống chiếu sáng là ánh sáng trắng tạo cảm giác thật để chiêm ngưỡng sự muôn hình, những sắc màu thật của nhũ, của đá...
CAO MINH