Đột phá cách làm, tăng chất lượng

Vì người tiêu dùng
Đột phá cách làm, tăng chất lượng

Sau 11 năm thực hiện thành công chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, bước sang năm 2013, TPHCM đã quyết định ngưng hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0% từ ngân sách. Thay vào đó, TP đã đưa các ngân hàng vào chương trình bình ổn nhằm cung ứng nguồn vốn giá rẻ cho DN chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường. Đây là cách làm đột phá, là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển mang tính chiều sâu và hết sức có ý nghĩa của chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM.

Người dân mua hàng bình ổn giá tại quận Tân Phú. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Người dân mua hàng bình ổn giá tại quận Tân Phú. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Vì người tiêu dùng

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, hơn 10 năm thực hiện, chương trình bình ổn thị trường của TPHCM đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Với mục tiêu tăng cường sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, bảo đảm cung - cầu cân đối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân; hàng hóa phải có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, đủ sức chi phối, định hướng và dẫn dắt thị trường và thực hiện an sinh xã hội, chương trình đã cung ứng đủ, ổn định 9 nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá cả thấp hơn thị trường từ 5% - 10%.

Với ưu tiên tập trung phát triển hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại tại các khu dân cư vùng xa, các khu công nghiệp - khu chế xuất), khu công nghiệp - khu chế xuất, chương trình đã góp phần giúp người lao động nghèo tiếp cận dễ dàng hơn với các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá tùy tiện ở các loại hình phân phối khác tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp phẩm,...

Năm 2011, chương trình bình ổn mới chỉ dừng ở mức 36 DN tham gia, năm 2012 tăng lên 48 DN tham gia cung ứng hàng hoá. Theo đó, tính chất của chương trình từng bước được xã hội hoá rất cao, với 2 trong số 4 chương trình DN tham gia hoàn toàn không nhận vốn (gồm bình ổn mặt hàng sữa và thuốc tân dược), 2 chương trình còn lại là hàng lương thực - thực phẩm và các mặt hàng phục vụ mùa khai trường cũng có rất nhiều DN không nhận vốn hoặc chỉ nhận một phần vốn vay của TP.

Tổng nguồn vốn thực hiện bình ổn là 288,6 tỷ đồng, giảm 148,7 tỷ đồng so năm 2011. Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn vào tháng thường trong năm chiếm bình quân khoảng 25% - 50% nhu cầu thị trường và tăng trung bình 15% - 30% so với năm 2011.

Bên cạnh việc không ngừng phát triển các điểm bán, tổ chức cung ứng lượng hàng hoá dồi dào cho thị trường, chương trình đã giúp ổn định giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Đi vào chiều sâu

  • Phát triển hơn 6.439 điểm bán hàng bình ổn

Năm 2012, TPHCM cũng đã thực hiện thành công khi triển khai bản ký kết liên tịch giữa Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm triển khai mạng lưới phân phối hàng bình ổn. Kết quả, các bên đã phát triển được 53 cửa hàng bình ổn, trong đó có 45 cửa hàng Co.op và 8 cửa hàng thanh niên. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP còn vận động được 135 điểm bán hàng bình ổn tại 50 chợ truyền thống và 448 điểm trên địa bàn dân cư,…

Như vậy, trong năm 2012, TPHCM đã phát triển được 2.448 điểm bán hàng bình ổn, nâng tổng số điểm bán lên 6.439 điểm, đồng thời tổ chức gần 700 chuyến bán hàng lưu động, kết hợp tổ chức các phiên chợ công nhân, sinh viên… đưa hàng hoá phục vụ người dân các huyện ngoại thành.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2013, TPHCM tiếp tục triển khai 4 chương trình bình ổn giá đối với 9 nhóm hàng lương thực thực phẩm thiết yếu; 3 nhóm hàng phục vụ mùa khai trường; 6 nhóm sản phẩm sữa và 21 nhóm hàng dược phẩm. 4 chương trình này sẽ được thực hiện song song và đồng bộ kể từ ngày 1-4-2013 đến ngày 31-4-2014.

Kể từ năm 2013, chương trình bình ổn mùa khai trường sẽ được thực hiện xuyên suốt cả năm, thay vì chỉ triển khai trong 6 tháng như trước đây. Năm 2013 có đến 64 DN tham gia chương trình với tổng số mặt hàng (thuộc 4 nhóm lương thực - thực phẩm, sữa, dược phẩm và mặt hàng phục vụ mùa khai giảng) lên đến 350.

Chương trình bình ổn năm nay đã có sự “lột xác”, thể hiện qua hàng loạt cách làm mới. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết: Chương trình bình ổn thị trường năm 2013 được mở rộng thành phần DN tham gia. Bên cạnh các DN tham gia sản xuất kinh doanh thuộc các nhóm mặt hàng bình ổn, TP đã bổ sung các DN tín dụng, ngân hàng cùng tham gia để hỗ trợ vốn vay cho DN trong chương trình. Về vốn, năm nay TP sẽ không ứng vốn cho các DN vay với lãi suất 0% từ nguồn ngân sách như những năm trước.

Thay vào đó, từ sự kết nối của chương trình, 5 ngân hàng (gồm Agribank, Eximbank, Sacombank, BIDV và VietinBank) sẽ cung ứng cho chương trình 1.960 tỷ đồng nhằm giúp DN tiếp nhận nguồn vốn với lãi suất thấp để chuẩn bị nguồn hàng và đầu tư sản xuất. Trong tổng lượng vốn các ngân hàng đăng ký cho DN vay để triển khai bình ổn thị trường là 1.960 tỷ đồng, có đến 860 tỷ đồng vốn ngắn hạn với lãi suất vay 6% và 1.100 tỷ đồng vốn dài hạn lãi suất vay 10%.

Về cơ chế điều hành giá năm 2013 sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn. Đối với nhóm hàng bình ổn lương thực, thực phẩm thiết yếu và dược phẩm luôn thấp hơn giá thị trường 5% - 10%; giá hàng bình ổn mùa khai trường thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%; giá sữa sẽ giữ ổn định suốt năm. DN được phép điều chỉnh giá bán khi giá nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất tăng từ 5% - 10% và điều chỉnh giảm khi giá thị trường giảm 5% trở lên. Trường hợp giá thị trường giảm chưa tới 5%, DN phải thực hiện chương trình khuyến mãi phù hợp giá thị trường.

Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, việc chuyển đổi cách triển khai chương trình từ việc ứng vốn cho các DN với lãi suất 0% sang việc kết nối giữa ngân hàng và DN là sự nỗ lực rất lớn của các DN và cả TP. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển mang tính chiều sâu và hết sức có ý nghĩa của chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM.

BÍCH HẢI 

  • Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Doanh nghiệp sẽ tự chủ hơn khi  tham gia bình ổn

Việc chuyển đổi từ hình thức hỗ trợ vốn vay từ ngân sách với lãi suất 0% sang việc kết nối giữa ngân hàng và DN, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM. Cách làm này, một lần nữa khẳng định TPHCM là địa phương luôn năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm. Bình ổn thị trường có ý nghĩa to lớn, góp phần ổn định giá cả thị trường và kiềm giữ CPI trong tính hợp lý của thị trường. Thực hiện bình ổn thị trường cũng thể hiện quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với các DN khi tham gia chương trình uy tín thương hiệu ngày càng tăng, thông qua sự tín nhiệm của người tiêu dùng.

Trở lại với chương trình bình ổn thị trường 2013, Vissan hiện đang có khá nhiều thuận lợi trong việc vay vốn với lãi suất ưu đãi 6% từ các ngân hàng. Theo đó, Vissan cũng đang được khá nhiều ngân hàng chào mời vay vốn với hạn mức cao hơn nhiều so với hạn mức mà các sở, ngành chức năng xem xét, phê duyệt. Với cơ chế vay vốn ưu đãi và có sự thỏa thuận giữa ngân hàng và DN, tôi cho rằng các DN sẽ tự nguyện, tự chủ hơn trong việc tham gia bình ổn thị trường. Từ nay, các DN tham gia sẽ không còn “mang tiếng” là được ưu ái vì được vay vốn từ ngân sách với lãi suất 0%. Vấn đề xử lý và kiểm soát giá để ổn định thị trường cũng sẽ được DN thực hiện linh hoạt hơn.

  • Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op: Hướng đến trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp

Những năm trước, khi áp dụng cơ chế hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0% cho các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, Saigon Co.op phải chịu khá nhiều áp lực từ dư luận, đồng thời chịu sự giám sát chặt chẽ của các sở, ngành chức năng. Trên thực tế, việc vay vốn từ ngân sách là rất ít so với sự chuẩn bị hàng hóa của DN. Chẳng hạn, để đảm bảo nguồn hàng dồi dào, phong phú cung ứng cho chương trình, Saigon Co.op đã ứng trước khoảng 1.000 tỷ đồng trong tháng thường và khoảng 2.000 tỷ đồng trong tháng tết, trong khi tổng vốn vay từ ngân sách được khoảng 100 tỷ đồng.

Nay với cách làm mới, các ngân hàng không chỉ cho Saigon Co.op vay trong hạn mức lãi suất 6% mà ngay cả vốn vay ngoài hạn mức cũng chỉ dừng ở mức 6%. Như vậy, sau 2 tháng triển khai thực hiện bình ổn thị trường năm 2013, Saigon Co.op cảm thấy thỏa mái hơn, đặc biệt là nguồn vốn để thực hiện sẽ không còn chật vật như những năm trước. Tôi hy vọng, với việc chia sẻ của các ngân hàng để hỗ trợ vốn cho DN với lãi suất thấp, các DN bình ổn sẽ có điều kiện để đầu tư, phát triển sản xuất, từ đó cung ứng nguồn hàng dồi dào với giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5%-10%. Làm được việc này, cả ngân hàng và DN sẽ cùng nhau thực hiện và san sẻ trách nhiệm với cộng đồng, góp phần ổn định an sinh - xã hội.

TƯỜNG DÂN - UYỂN NHƯ ghi

Tin cùng chuyên mục