
Tỉnh Sóc Trăng có 72 km bờ biển và một hệ thống kênh rạch chằng chịt, rất thuận lợi để phát triển thủy sản. Thế nhưng nhiều năm liền, Sóc Trăng “ngủ quên” trên “đống vàng khối” ấy. Năm 1992, tỉnh Sóc Trăng được tái lập, lãnh đạo địa phương đã khơi dậy tiềm năng thủy sản, coi đó là mũi nhọn đột phá để phát triển.
- Bùng phá diện tích nuôi tôm sú

Dây chuyền chế biến tôm.
Năm 1992, tỉnh Sóc Trăng chỉ có 14.500 ha mặt nước nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi cua kết hợp với nuôi tôm quảng canh. Sóc Trăng chỉ thực sự làm quen với con tôm sú vào những năm 1998 - 1999. Những cánh đồng tôm, lúa ở các xã vùng kháng chiến cũ của huyện Mỹ Xuyên (Hòa Tú, Gia Hòa, Ngọc Tố, Ngọc Đông), ra đời.
Đến năm 2001, phong trào nuôi tôm sú bán công nghiệp và công nghiệp nở rộ ở 2 huyện vùng ven biển Long Phú, Vĩnh Châu. Hàng ngàn hecta đất hoang hóa ở cánh đồng năn và 2 bên bờ sông Mỹ Thanh đã được cải tạo thành những vuông tôm. Cả chục ngàn hecta khác trước đây trồng lúa kém hiệu quả cũng được chuyển sang nuôi tôm.
Những mô hình nuôi tôm đột phá, nuôi bằng kỹ thuật vi sinh công nghệ cao có năng suất 18 - 20 tấn/ ha được nhân rộng. Nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm đã đánh thức những vùng đất “ngủ quên” lâu ngày, “biến” thành những vùng nuôi tôm trùng điệp. Ở vùng nước ngọt, con tôm càng, cá da trơn và các loại cá khác của Kế Sách, Mỹ Tú cũng phát triển nhanh. Năm 2005, diện tích nuôi thủy sản của Sóc Trăng tăng lên trên 55.000 ha; tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt trên 14%. Sản lượng thủy sản năm 2005 đạt 55.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 306 triệu USD, tăng 146 triệu USD so với năm 2000.
Công nghiệp chế biến cũng “ăn theo” con tôm mà phát tirển. Sóc Trăng là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu thuộc vào loại mạnh nhất ĐBSCL. Năm 1992, tỉnh này chỉ có một nhà máy chế biến thủy sản công suất thấp với khoảng 300 công nhân. Đến nay, Sóc Trăng đã có 6 công ty lớn, mỗi công ty có từ 2.500 đến 4.000 công nhân. Máy móc, thiết bị chế biến thuộc vào loại hiện đại nhất. Nhiều năm liền, các công ty Fimex.VN, Kim Anh, Stapimex, Út Xi, Phương Nam đều là những đơn vị hàng đầu cả nước đạt giá trị xuất khẩu thủy sản cao, hàng hóa có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
- Giải pháp căn cơ

Nuôi và chế biến thủy sản ở Sóc Trăng được coi là hài hòa, đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhưng việc nuôi tôm sú ồ ạt ở Sóc Trăng đã bộc lộ những điểm yếu. Nhiều vùng, người nuôi tự phát, chính quyền không quản lý được. Những cánh đồng “da beo” tôm, lúa lẫn lộn ở Thạnh Phú, Thạnh Quới, huyện Mỹ xuyên đã gây ra nhiều vụ kiện trong mấy năm qua. Hệ thống thủy lợi cho nuôi thủy sản đặc biệt là con tôm sú còn yếu. Vì thế mới có chuyện nhà này nuôi tôm chết bơm nước ra sông, nhà khác lấy nước vào nên tôm của họ cũng bị “văng miểng”.
Cái vòng lẩn quẩn ấy, nhiều năm qua chưa gỡ được. Diện tích nuôi tôm tăng nhanh nhưng Sóc Trăng chưa chủ động được nguồn giống. 100 triệu con giống tự tạo so với nhu cầu 5 tỷ con giống/ năm thật không thấm vào đâu. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở cơ sở còn quá mỏng. Vì vậy, Sóc Trăng chưa hoạch định được các vùng nuôi tôm rải vụ theo nhu cầu của các doanh nhiệp chế biến trong tỉnh. Lúc trái vụ họ phải nhập nguyên liệu thô từ các nước trong khu vực về chế biến lại.
Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng (nhiệm kỳ 2005 - 2010) xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo quy hoạch đến năm 2010, Sóc Trăng sẽ có 80.000 ha mặt nước nuôi thủy sản và đến năm 2015 là 100.000ha. Diện tích này sẽ ổn định và nâng cao chiều sâu thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, kỹ thuật nuôi trồng. Việc quy hoạch, phát triển thủy sản cả nuôi trồng và chế biến cần phải được gắn kết chặt chẽ.
Phải có đầu tư đủ đặc biệt về thủy lợi, giao thông, giống, khoa học kỹ thuật, vốn - cho cả người nuôi và chế biến. Việc bảo quản sau thu hoạch cũng là vấn đề cấp thiết. Sản phẩm sau khi thu hoạch từ vuông tôm về đến nhà máy hiện phải mất từ 10 đến 12 giờ do mạng lưới giao thông yếu kém. Khẩu hiệu “nhà nước và nhân dân cùng làm” phải được thực hiện triệt để mới đem lại hiệu quả thiết thực.
Lê Bình