Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã hoàn thành 75% khối lượng công việc và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng ngày 30-6-2011. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án này đang thiếu vốn trầm trọng, cần sự tháo gỡ của các cơ quan chức năng.
Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên được xây dựng ở phía Bắc, khởi công từ đầu năm 2006. Với chiều dài 56km, dự án được phê duyệt mức đầu tư ban đầu là 5.422 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ yếu là phát hành trái phiếu công trình có sự bảo lãnh của Chính phủ. Tuy nhiên, do biến động giá, năm 2010 dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.974 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), hiện dự án đã đạt khoảng 75% khối lượng công việc, nhiều gói thầu xây lắp đang tiến hành trải thảm bê tông nhựa. Đây cũng là thời điểm VEC đang rất cần tổ chức phát hành trái phiếu công trình để đáp ứng nhu cầu về vốn. Tuy nhiên, cuối tháng 12-2010, Bộ Tài chính có Văn bản 17387/BTC-TCNH đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạm thời dừng cấp bảo lãnh cho VEC phát hành trái phiếu. Lý do là do hệ số nợ trên vốn điều lệ của VEC quá cao (8,4 lần).
Theo VEC, từ khi khởi công công trình tới nay, VEC mới được bảo lãnh phát hành được 2 đợt với tổng số tiền là 1.400 tỷ đồng. Sau đó do lãi suất huy động tăng cao, dự án buộc phải sử dụng vốn ứng từ nguồn ngân sách nhà nước. Mặc dù VEC phải sử dụng gần 1.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác để trả các nhà thầu song hiện nhiều nhà thầu như Cienco 4, Cienco 5… vẫn chưa được thanh toán đầy đủ so với khối lượng hoàn thành. Trong khi đó, khả năng ứng tiếp vốn từ nguồn ngân sách nhà nước cho dự án từ nay đến hết tháng 6-2011 được dự báo rất khó khăn.
Trước vướng mắc của dự án, đầu tháng 1-2011, Bộ GTVT đã có Văn bản số 31/BGTVT-TC gửi Chính phủ đề nghị bổ sung vốn điều lệ cho VEC và tiếp tục bảo lãnh phát hành trái phiếu thi công dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Theo Bộ GTVT, thực tế khi VEC được thành lập và xây dựng phương án đầu tư dự án đường cao tốc này đều được xem xét, căn cứ theo các quy chế trước đây (chưa có các quy định về hệ số nợ, Luật Quản lý nợ công chưa ban hành) và một số cơ chế thí điểm tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Việc tạm dừng cấp bảo lãnh phát hành trái phiếu và giao VEC tự tìm các nguồn vốn khác như ý kiến của Bộ Tài chính nằm ngoài phương án ban đầu và có thể dẫn đến tình trạng phải dừng dự án, nhất là trong điều kiện hiện tại VEC không thể tự huy động khối lượng vốn lớn cho dự án. Chính vì vậy, chủ đầu tư cũng như các nhà thầu đang trông chờ vào bảo lãnh phát hành trái phiếu công trình của các cơ quan chức năng để tiếp tục triển khai thi công, không để dự án bị ngưng trệ.
Bích Quyên
Sở GTVT TPHCM vừa đưa vào sử dụng tuyến đường Nguyễn Văn Bứa, dài gần 1km, rộng 19m, nối liền 2 xã Xuân Thới Sơn và Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn với tổng vốn đầu tư trên 235,9 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm tạo đà phát triển kinh tế, văn hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các nhà máy xí nghiệp, KCN đi về các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ, phục vụ hành khách tham quan khu tưởng niệm ngã Ba Giồng.
Dịp này, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 cũng đưa vào sử dụng đường Song Hành quốc lộ 22 (đoạn từ Nhà máy nước Tân Hiệp đến kênh Tham Lương) dài hơn 10km, rộng hơn 7m, vỉa hè 6m với tổng mức đầu tư trên 154 tỷ đồng.
Q.Hùng