*Bỏ môn “Công dân với Tổ quốc” trong chương trình giáo dục phổ thông mới
(SGGPO) – Liên quan đến “số phận” môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Ban Tuyên giáo Trung ương vừa có buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT.
Trước đó, dư luận đã xảy ra một cuộc tranh luận nảy lửa về vị trí của môn sử. Theo đó, Bộ GD-ĐT dự kiến thiết kế tích hợp môn sử vào môn học Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nghĩa là môn sử sẽ không còn là môn học độc lập, không còn tên môn sử. Dự kiến này bị các nhà sử học và nhiều ý kiến phản ứng gay gắt khi cho rằng, không thể bỏ tên môn sử, môn sử phải là môn học độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông mới, với vai trò giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc đối với học sinh.
Vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong kỳ họp Quốc hội vừa qua. Vì vậy, kết thúc kỳ họp, tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề, Quốc hội nhấn mạnh ngành GD-ĐT phải thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Quốc hội, tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.
Tại buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT chiều 8-12, các bên đã cơ bản thống nhất một số nội dung liên quan đến vị trí của môn sử. Theo đó, đối với tiểu học, môn lịch sử sẽ tích hợp trong môn học chung cùng với một số môn học khác, chủ yếu để giáo dục lịch sử thông qua các câu chuyện tạo hứng thú và hiểu biết cho học sinh.
Ở THCS, có hai phương án cần tiếp tục suy nghĩ. Một là để lịch sử và địa lý là hai môn độc lập, viết thêm phần tích hợp kiến thức giữa hai môn này để học sinh phát triển khả năng tổng hợp và sẽ cần tới 3 cuốn sách. Thứ hai, sử- địa tích hợp gồm phân môn lịch sử và phân môn địa lý, nhưng phần kiến thức liên quan sẽ tạo thành các chuyên đề liên môn. Học sinh sẽ chỉ có một cuốn sách. Vấn đề này vẫn đang được bàn luận.
Đối với THPT, sẽ có Lịch sử 1 và Lịch sử 2, cả hai đều là chương trình nâng cao, sử là một môn riêng, độc lập. Lịch sử 1 là môn bắt buộc đối với khối của Khoa học xã hội (theo phân luồng), sẽ nâng cao hơn, chuyên sâu hơn. Lịch sử 2 cũng là chương trình nâng cao, nhưng thấp hơn Lịch sử 1, Lịch sử 2 dành cho khối Khoa học tự nhiên. Như vậy, các cấp học đều có nội dung giáo dục lịch sử.
Như vậy, so với dự kiến trước đó của Bộ GD-ĐT, ở bậc THCS, môn sử sẽ không như phương án ban đầu của Bộ GD-ĐT (phương án của Bộ là tích hợp môn lịch sử nằm trong môn Khoa học xã hội), thay vào đó sẽ có điều chỉnh: hoặc là ghép với môn địa lí hoặc là lịch sử đứng riêng. Nhưng cho dù có ghép với môn địa thì nội dung lịch sử vẫn riêng, địa lí riêng.
Điều đó cũng có nghĩa, môn học “Công dân với Tổ quốc” trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT dự kiến trước đó (tích hợp môn sử vào môn này) sẽ không còn.
Được biết, câu chuyện môn sử sẽ vẫn còn tiếp tục được bàn thảo trong thời gian tới.
PHAN THẢO