
Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2008, tỷ trọng khách đến vùng ĐBSCL chỉ chiếm 8% cả nước, thấp nhất so các vùng, miền. Bình quân, một du khách quốc tế đến vùng này chỉ lưu trú 1 ngày, còn khách trong nước lưu trú lâu hơn, đến… 1,2 ngày. Vì sao?
Giống nhau đến “từng milimét”
Là một vùng lãnh thổ rộng lớn, trù phú và đông dân, khí hậu ổn định và ít xảy ra thiên tai, ĐBSCL có lợi thế phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại cảnh quan thiên nhiên gắn với sông nước miệt vườn… Tuy nhiên, sau hơn 10 năm phát triển du lịch, đã bộc lộ nhiều hạn chế như: sản phẩm du lịch đơn điệu, việc quảng bá, xúc tiến đầu tư chưa được quan tâm, thiếu nguồn nhân lực…
Năm 2004, Công ty Du lịch Tiền Giang có tour tát mương bắt cá. Một tuần sau, hầu như các công ty du lịch sinh thái, kể cả các vườn du lịch tư nhân, đã “photocopy” tour này vào chương trình.

Đến Cần Thơ, du khách đều quen với cảnh tham quan chợ nổi Cái Răng.
Từ sự giống nhau đến “từng milimét” trong thiết kế tour, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh như phá giá, hạ chất lượng. Tại hội thảo “Phát triển du lịch bền vững vùng ĐBSCL” tổ chức tại TP Cần Thơ, TS Đinh Văn Hạnh, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TPHCM nhận định: “Vì chỉ cần đến một tỉnh, thành nào đó, một lần đi là du khách biết hết miền Tây nên họ cũng không muốn trở lại lần nữa. Cách mời gọi và khuyến mãi tour như vậy vừa thiệt vừa hạ thấp giá trị nguồn tài nguyên và tiềm năng của ĐBSCL”.
Công ty du lịch nào cũng có tour tham quan vườn trái cây, chèo xuồng, bắt cá, nghe đờn ca tài tử… Chính vì thiếu sáng tạo trong thiết kế tour tạo sự nhàm chán cho du khách.
Đã từng có ý tưởng xây dựng con đường lữ hành kết nối các lễ hội tại các tỉnh, thành ĐBSCL. Tour này được “dàn dựng” khá công phu như khách từ TPHCM xuống sẽ dừng chân ở các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng… với những chương trình khác nhau. Việc liên kết này giúp hình thành nhiều dịch vụ suốt tuyến và các địa phương cùng hưởng lợi. Tuy nhiên, khi các đơn vị lữ hành ở TPHCM bắt tay vào cuộc thì các tỉnh ĐBSCL lại đứng ngoài. Nguyên nhân là do đầu tư một tour đường dài, qua nhiều địa phương như vậy rất tốn kém, nhất là lợi nhuận phải “chia năm xẻ bảy” nên không ai muốn làm.
Cần những ý tưởng mới
ĐBSCL không có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như miền Trung hay miền Bắc nhưng vùng đất “Chín rồng” lại có những công trình kiến trúc, di tích lịch sử độc đáo như: chùa Dơi (Sóc Trăng), đình Bình Thủy (Cần Thơ), ao Bà Om (Trà Vinh), nhà thờ Cha Diệp (Bạc Liêu), miếu Bà Chúa Xứ, đình Châu Phú - lăng Thoại Ngọc Hầu (An Giang)… Thêm vào đó là các lễ hội truyền thống như: Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, lễ hội Ha Xan… Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, ĐBSCL có khoảng 150 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia. Các di tích lịch sử - văn hóa như đình, chùa ở vùng này là một khối kiến trúc nghệ thuật hài hòa, đây là những điểm tham quan độc đáo, tạo sự thích thú cho du khách. Tuy nhiên, hiện nay các công ty du lịch ĐBSCL chưa thực sự quan tâm đến việc gắn kết văn hóa vào du lịch để tạo sự đa dạng cho các tour.
Theo TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Phát triển du lịch thì định hướng phát triển du lịch cần xác định và tổ chức thực hiện phù hợp với từng khu vực, địa phương. Chẳng hạn các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp nên khai thác các tour tham quan di tích văn hóa lịch sử, làng nghề, tham quan các vùng đất ngập nước… Còn các tỉnh, thành Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau khai thác các tour tham quan, mua sắm, ẩm thực, chợ nổi… Và cụm An Giang, Kiên Giang sẽ nghiêng về thế mạnh biển, đảo, núi và khai thác tuyến du lịch liên tuyến Campuchia, Thái Lan…
Để du khách đến một lần và muốn trở lại lần nữa với ĐBSCL, ngành du lịch vùng này cần có những tour mang ý tưởng mới. Hiện nay, có nhiều đề xuất xây dựng những tour “made in miền Tây” như: “một ngày đi chăn vịt chạy đồng”; “một đêm nghe chuyện bác Ba Phi, nghe đờn ca tài tử”; “một đêm giăng câu ở Đồng Tháp Mười”; “một ngày làm công tử Bạc Liêu”…
LÊ CHINH