Đưa lao động qua lãnh thổ Đài Loan - Lắm mối, nhiều rối

Đưa lao động qua lãnh thổ Đài Loan - Lắm mối, nhiều rối

Ông Đào Công Hải

Ông Đào Công Hải

Lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những thị trường lớn thu hút lao động Việt Nam. Tính từ cuối năm 1999 đến nay đã có trên 250.000 lượt người sang làm việc. Tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ trốn khá nhiều. Nguyên nhân đã rõ nhưng giải pháp ngăn chặn còn quá rối vì quá nhiều đầu mối. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết:

Lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan tăng nhanh từ năm 2003 đến nay, bình quân khoảng 6.600 lao động bỏ trốn/năm (550 lao động/tháng). Tỷ lệ lao động bỏ trốn hiện nay 8%/năm trên tổng số lao động Việt Nam có mặt làm việc tại Đài Loan. Trên thực tế, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn cao nhất là những lao động sắp hết hạn hợp đồng, không muốn về nước.

- PV: Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lao động làm việc tại Đài Loan bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp cao như vậy?

Ông Đào Công Hải: Theo tôi, người lao động đi làm việc tại Đài Loan phải chịu mức chi phí cao cũng là một nguyên nhân. Theo số liệu điều tra thực tế của Ủy ban lao động Đài Loan đối với lao động các nước nhập cảnh tại sân bay trong năm 2010 và năm 2011, mức phí của người lao động Việt Nam trung bình khoảng 5.600 - 6.000 USD, có một số lao động bị thu đến khoảng 6.500 - 7.000 USD/người. Trong đó, phần chênh lệch khoảng 1.800 - 2.500 USD cao hơn quy định chính là phần tiền môi giới tăng cao. Mức chi phí này cao hơn so với lao động Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Nguyên nhân khác là do có quá nhiều đầu mối tuyển chọn đưa lao động đi làm việc ở Đài Loan. Tình trạng doanh nghiệp khoán gọn cho chi nhánh, cơ sở, thậm chí cho một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mượn giấy phép để tư vấn, tuyển chọn, thu tiền người lao động dẫn đến việc các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam cũng không kiểm soát được chi phí của người lao động trước khi đi và buông lỏng quản lý lao động khi làm việc ở nước ngoài.

Hiện nay có 67 doanh nghiệp còn giấy phép của Đài Loan cấp được hoạt động đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan. Tuy nhiên, theo báo cáo, các DN này đã thành lập tổng cộng hơn 100 chi nhánh hoặc trung tâm và khoảng 140 cơ sở đào tạo (chưa tính các văn phòng đại diện) thực hiện việc tư vấn, tuyển chọn và đào tạo người lao động đi làm việc tại Đài Loan. Vì vậy, tổng số các đầu mối thực hiện việc đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan trên cả nước hiện nay trên 300 đầu mối.

Bên cạnh đó, nhiều DN Việt Nam không còn giấy phép của Đài Loan nhưng vẫn thống nhất với các DN còn giấy phép để sử dụng tư cách pháp nhân tổ chức đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan hoặc cho phép các tổ chức, cá nhân Đài Loan mượn tư cách pháp nhân. Qua kiểm tra nhiều lao động Việt Nam tại Đài Loan, Ban quản lý lao động thấy có nhiều lao động chỉ biết tên công ty Đài Loan đưa đi mà không biết DN Việt Nam đưa đi.

Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc).

Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc).

- Theo ông, giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

Trước tình hình đó, Bộ LĐTB-XH đã có công văn gửi các DN. Theo đó, các DN phải thực hiện đúng quy định. Cụ thể, tổng chi phí của người lao động trước khi đi làm việc trong các ngành công nghiệp tại Đài Loan không vượt quá 4.500 USD/người/hợp đồng 3 năm, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 1.500 USD/người/hợp đồng 3 năm. Tổng chi phí của người lao động trước khi đi làm việc trong gia đình và chăm sóc sức khỏe tại Đài Loan không vượt quá 3.800 USD/người/hợp đồng 3 năm, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 800 USD/người/hợp đồng 3 năm. DN có thể thỏa thuận với người lao động việc ký quỹ đảm bảo thực hiện hợp đồng nhưng mức tiền ký quỹ tối đa không quá 1.000 USD/người/hợp đồng 3 năm. Tất cả các chi phí người lao động đóng góp trước khi đi làm việc tại Đài Loan phải được ghi đầy đủ, chi tiết trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đăng ký hợp đồng và phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. DN phải cung cấp cho người lao động đầy đủ hóa đơn, chứng từ liên quan đến các chi phí mà người lao động phải đóng góp trước khi đi để kiểm tra, giám sát.

Hồ Thu thực hiện

Tin cùng chuyên mục