Dựa vào dân để quản lý xã hội

Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta thường bắt gặp những hành vi không đúng mực, thậm chí vi phạm pháp luật như xả rác nơi công cộng, hàng xóm gây ồn ào trong giờ nghỉ ngơi, vỉa hè không còn lối đi bộ, xâm phạm cây cảnh, hút thuốc nơi công cộng… 
Khi bắt gặp những hành vi đó, mọi người thường làm ngơ hoặc im lặng trong sự khó chịu. Có động thái này, bởi đôi khi chính bản thân mình cũng vài lần hành xử như vậy mà chưa bao giờ bị phạt hay nhắc nhở.
Những tồn tại trên thường được lý giải là do sự thiếu ý thức của người dân trong cộng đồng và đổ lỗi cho sự yếu kém của hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người khi ở quốc gia này thường có những hành vi không đúng mực, nhưng lại rất đúng mực khi đến các quốc gia văn minh hơn, nên việc đổ lỗi cho giáo dục chưa hoàn toàn hợp lý. Văn minh xã hội chủ yếu phụ thuộc vào 2 yếu tố là luật hóa các chuẩn mực trong sinh hoạt hàng ngày với chế tài cụ thể cho những vi phạm (từ việc nhỏ như xả rác, hút thuốc nơi công cộng, gây mất trật tự cộng đồng, lấn chiếm vỉa hè…) và sự giám sát chấp hành pháp luật của người dân. 
Ở nước ta, nhiều chuẩn mực trong sinh hoạt hàng ngày đã được luật hóa và có chế tài cụ thể cho từng hành vi vi phạm, như phạt tiền đối với hành vi hút thuốc không đúng nơi quy định, vứt rác bừa bãi nơi công cộng, gây mất trật tự trong khu dân cư… Tuy nhiên, người dân chưa chấp hành nghiêm bởi thiếu sự giám sát hiệu quả.
Quan sát các xã hội văn minh trên thế giới, dễ thấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân không chỉ bắt nguồn từ giáo dục mà chủ yếu nhờ vào sự giám sát của xã hội. Khi phát hiện ai đó có những hành vi vi phạm pháp luật, người dân rất tích cực phản ánh với người có chức trách để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định. Trong quá trình điều tra, nếu nhận thấy sự việc không như thông tin phản ánh hoặc có thể thông cảm cho người vi phạm, thì người có chức trách phải giải trình với người đã phản ánh. Sự nhiệt tình của giới chức trách sẽ tiếp thêm động lực để người dân tích cực giám sát xã hội. Nhờ đó mà pháp luật được nghiêm minh, xã hội nề nếp và văn minh.
Nhà nước không thể xây dựng đội ngũ cán bộ công chức giám sát mọi ngóc ngách trong xã hội rộng lớn, nên rất cần đến sự giám sát của cộng đồng. Muốn vậy, cần biết trân trọng mọi phản ảnh từ nhỏ nhất của người dân. Khi nhận được thông tin phản ảnh, cần tích cực làm rõ và xử lý nhanh chóng, phản hồi kết quả hoặc giải trình cho dân hiểu. Người lãnh đạo cao nhất của từng cấp chính quyền cần gương mẫu trong việc ưu tiên giải quyết các phản ánh của người dân để thúc đẩy cán bộ công chức thuộc cấp nhiệt tình vào cuộc.
Tinh thần này cần được biểu hiện qua việc đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận các phản ánh, chẳng hạn như đường dây nóng, email, hộp thư góp ý... Khi tiếp nhận thông tin cần lập tức trả lời về phương pháp và thời gian xử lý sớm nhất, kèm theo cam kết về sự bảo mật thông tin phản ánh (để không tạo ra xung đột giữa họ với đối tượng vi phạm) và báo cáo lại kết quả xử lý hoặc giải trình, nếu sự việc phản ánh không vi phạm pháp luật hoặc có lý do có thể thông cảm.

Tin cùng chuyên mục