Thay thế xe máy cũ bằng xe điện: Phải đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân

Việc tiếp tục sử dụng hàng triệu xe máy cũ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội mà còn làm suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên việc buộc chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe xanh sẽ tác động không nhỏ đến đời sống người dân, nhất là những người phụ thuộc vào xe máy cho công việc hằng ngày.

Thay thế xe máy cũ bằng xe điện: Phải đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân

Ngày 18-7, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh” do Báo Dân trí phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức.

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, Hà Nội hiện có trên 9,2 triệu phương tiện các loại hoạt động, trong đó có khoảng 7 triệu xe máy. Tốc độ gia tăng phương tiện của Hà Nội khoảng 4-5%/năm, gấp từ 11-17 lần tốc độ mở rộng đường sá.

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong số 7 triệu xe máy, có đến 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ. Các nghiên cứu chỉ rõ rằng, xe máy là nguồn phát thải chính tại đô thị khi gây ra 94% lượng hydrocacbon (HC), 87% khí CO, 57% NOx và 33% bụi mịn PM10.

“Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Hà Nội là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, chiếm từ 58-74% tùy từng thời điểm”, ông Đào Việt Long nhấn mạnh.

long-1.jpg
Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ ý kiến tại tọa đàm

Từ phân tích trên, ông Đào Việt Long cho rằng, việc tiếp tục sử dụng hàng triệu xe máy cũ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội mà còn làm suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, chưa kể vấn đề về tai nạn giao thông. Do đó, đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội đẩy mạnh chính sách vùng phát thải thấp và chuyển đổi phương tiện giao thông xanh thời gian tới. Các chuyên gia cũng nhận định, việc thay thế xe cũ bằng xe điện hoặc xe đạt chuẩn có thể giúp giảm 35-40% lượng khí CO và HC, đồng thời cải thiện chất lượng không khí và tiết kiệm năng lượng.

111.jpeg
Xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu phục vụ việc đi lại hàng ngày của người dân Hà Nội

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe xanh sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là những người phụ thuộc vào xe máy cho công việc hằng ngày.

Trước vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, vấn đề này liên quan lợi ích của đông đảo người dân nên, việc triển khai chủ trương này được tiến hành rất bài bản, thận trọng và đồng bộ, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân. Đồng thời, các chính sách phải đảm bảo mục tiêu về môi trường cũng như mục tiêu chung của thành phố. Thành phố đang xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm hỗ trợ tài chính trực tiếp, ưu đãi phí - lệ phí và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phương tiện xanh. Đồng thời, thành phố sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thu mua xe cũ, bảo dưỡng và hỗ trợ pin xe điện cho người dân.

“Hà Nội sẽ tiếp tục lấy ý kiến, đối thoại với doanh nghiệp và cùng các doanh nghiệp đưa ra chính sách phù hợp với chủ trương của thành phố trong từng giai đoạn. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của cộng đồng để tiếp thu trước khi đưa ra chính sách”, ông Đào Việt Long nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục