
Từ huyện lỵ Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, theo con đường nhựa vào khu Di tích chị Sứ (Phan Thị Ràng) chừng hơn 10 cây số là đến Thổ Sơn. Gọi Thổ Sơn vì đây là vùng có nhiều núi đá.
- Nghề nguy hiểm

Những người thợ đá ở Thổ Sơn.
Anh Trần Văn Ba, người chỉ còn một cánh tay trái nhưng vẫn vác từng cây đá dài 2,5 mét, nặng chừng 50kg xuống ghe. Công việc nặng nhọc vậy nhưng anh coi nó là chuyện bình thường vì “quen rồi”.
Trần Văn Ba năm nay 45 tuổi, quê ở An Giang. Năm 16 tuổi, anh đã tới đất “Hòn” làm nghề đục đá. Trong một lần nổ mìn, do bất cẩn, anh bị “đá văng” mất một cánh tay. Nằm bệnh viện vài ba tháng, anh lại trở về với nghề làm đá. Không còn tay để đục, anh chuyển sang vác đá kiếm ăn, mỗi ngày cũng kiếm được 50.000 đồng. “Em không có vợ con, lại nhờ trời cho sức khỏe nên cũng đủ sống”.
Không thể kể hết những tai nạn lao động do nghề khai thác đá gây ra. Năm ngoái, anh Lê Văn Sáu, quê ở Châu Đốc, An Giang bị gãy cả 2 chân vì đá đè, phải bỏ nghề vì không còn khả năng lao động. Anh Trương Văn Phong, quê ở Kiên Lương (Kiên Giang) cũng giã từ nghề đập đá vì bị đá văng mù một mắt và chấn thương cột sống. Chuyện đục đá, khiêng đá, đội đá… bị giập ngón chân, ngón tay là thường tình…
Có tận mắt thấy những hòn đá trứng bị chẻ ra liền lạc, mới cảm phục tay nghề và thấu hiểu được nỗi vất vả của những người thợ đục đá. Năm 1998, anh Bùi Nhật Minh, năm nay 44 tuổi, quê ở Long Xuyên dắt díu vợ con sang Hòn Đất xin làm nghề chẻ đá mướn. Theo anh Minh, một miếng đá đã chẻ dài 2,5 mét, ngang 20cm bán được 11.000 đồng. Một tháng, làm cật lực, ba cha con anh chỉ thu được khoảng 3 triệu đồng. “Gia đình em đến đây tay trắng; mấy năm qua làm lụng vất vả cũng chỉ cất được cái chòi dưới chân núi ở tạm”. Anh Minh than.
- Gian nan đời nghề
Ở Thổ Sơn, có khoảng trên 300 người làm nghề khai thác đá. Trong số này, người làm cho Công ty cổ phần Khai thác đá Quân khu 9 chừng gần 100; số còn lại làm cho 5 doanh nghiệp tư nhân và hàng chục đại lý. Mà làm cho tư nhân, đại lý thì làm gì có bảo hiểm. Họ trả công cho thợ hàng ngày. Ngày nào làm khoán có lương; không làm thì đói. Những tháng mùa khô, công việc nhiều, người thợ kiếm sống được. Mùa mưa việc ít, việc mưu sinh của hàng trăm gia đình cực kỳ khó khăn.
Chị Danh Thạ (người dân tộc Khmer, năm nay 37 tuổi, quê ở Hòn Sóc) là chủ của 2 chiếc xe tải chuyên chở đá, tâm sự: “Trước đây em làm cho Công ty cổ phần Khai thác đá Quân khu 9; hai năm nay, em làm tư. Đại lý của em có khoảng 20 chục người; vừa khai thác vừa vận chuyển. Em mướn 3 bãi tập kết đá, hàng tháng phải trả công thuê mỗi bãi 500.000 đồng. Tiền nhân công ngày nào em trả ngày đó cũng đã mệt rồi; lời lóm có bao nhiêu đâu mà đóng bảo hiểm cho thợ”.
Vài chục đại lý, doanh nghiệp tư nhân làm nghề khai thác đá ở Thổ Sơn đều nói giống chị Thạ. Người thiệt thòi cuối cùng là những thợ đá. Anh Trần Văn Ba khi bị thương còn làm cho công ty; đi nằm bệnh viện được miễn phí các khoản; được hưởng lương. Giờ làm cho tư nhân, ăn lương khoán hàng ngày không còn chế độ nào khác. Anh Bùi Nhật Minh thổ lộ: “Nghề này tuy vất vả nhưng còn có miếng ăn chứ về quê không ruộng rẫy, lấy gì ăn?”.
Những người thợ đá ở Thổ Sơn mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng chung quy lại là nghèo khó, không đất đai, gia đình ly tán. Nếu các doanh nghiệp tư nhân tập hợp lại thành lập công ty cổ phần, làm ăn lớn, có trách nhiệm với thợ thì nghề khai thác đá ở Thổ Sơn sẽ ngày càng phát triển.
LÊ BÌNH