Đừng để có thêm những thảm cảnh gia đình

Trong thời gian gần đây, liên tục xảy ra những thảm cảnh gia đình: giận chồng rồi giết con và tự tử; người thân trong gia đình giết hại nhau... Nhiều bạn đọc đã bức xúc, phân tích tình trạng này và tìm giải pháp để đừng có thêm những thảm cảnh gia đình.

LTS: Trong thời gian gần đây, liên tục xảy ra những thảm cảnh gia đình: giận chồng rồi giết con và tự tử; người thân trong gia đình giết hại nhau... Nhiều bạn đọc đã bức xúc, phân tích tình trạng này và tìm giải pháp để đừng có thêm những thảm cảnh gia đình.

* Thạc sĩ NGUYỄN VĂN CÔNG (ĐH Nguyễn Huệ): Sâu sát, tư vấn tâm lý

Những vụ án giết hại người thân trong gia đình khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Đương nhiên, người có tội sẽ bị trừng phạt theo đúng pháp luật, nhưng hệ lụy của sự việc sẽ là nỗi ám ảnh, day dứt suốt cuộc đời của những người trong cùng gia đình. Chỉ vì nông nổi, nóng giận hoặc những mâu thuẫn liên quan đến tài sản mà dẫn đến thảm kịch gia đình. Ở những vụ án mạng như vậy, sự mông muội, thiếu hiểu biết và lòng tham đã bao phủ cả tình nghĩa gia đình và dẫn đến hành vi tàn độc.

Để ngăn ngừa tội ác gia đình, nhất định phải có nhiều giải pháp, có sự chung tay của xã hội. Biện pháp được cho là thiết thực nhất chính là phát huy tính cộng đồng tại địa phương trong việc chia sẻ, giúp đỡ, động viên, giảng giải làm sao để mỗi thành viên, mỗi gia đình biết đùm bọc, thương yêu lẫn nhau. Bên cạnh đó cần thành lập các điểm tư vấn gia đình tại các thôn xã. Các tổ chức đoàn thể xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS phải kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc về tâm lý, tinh thần giữa các thành viên tại những gia đình, nhất là vùng nông thôn, miền núi để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.


* NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM): Không có gì để biện minh

Tôi bàng hoàng, đau đớn và xen lẫn sự phẫn nộ đến tột cùng khi đọc các tin về những vụ vợ chồng giận nhau rồi nhẫn tâm giết hại con mình. Cho dù giết con rồi tự sát thì hành vi đó vẫn là dã man, tàn độc, phải bị lên án. Cái chết của những đứa trẻ như vậy thật quá đau đớn và thương tâm.

Đáng lẽ ra khi gặp tình cảnh gia đình đổ vỡ thì phải biết cố gắng vươn lên nhiều hơn trong cuộc sống, quên đi chuyện buồn tủi của bản thân và gia đình để cố gắng nuôi con. Ông bà ta nói “Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con”, vậy mà thời gian gần đây đã liên tục xảy ra những vụ án mà hung thủ chính là người mẹ vì giận chồng, vì túng quẫn, đã bắt ép con mình cùng uống thuốc rầy tự tử, có người mẹ đã ôm con hoặc trói con vào mình rồi nhảy xuống sông tự tử. Không thể có bất cứ một lời biện minh nào cho hành động tội ác đó. Nếu còn sống, hành vi tội ác của thủ phạm phải bị trả giá bằng sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật. Rất mong các cơ quan làm nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật quan tâm phân tích nhắc nhở, lên án hành vi tội ác này, để không còn có những kẻ nghĩ và hành xử nông nổi như vậy.

* PHƯƠNG LAN (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai): Giáo dục tình thương và trách nhiệm

Đã có quá nhiều vụ thảm cảnh gia đình khiến dư luận bàng hoàng. Lâu lâu lại có vụ con giết mẹ, cha giết con, anh em giết nhau… Lẽ nào chuyện tày trời này cứ diễn ra mà khó có thể ngăn ngừa? Dường như trong những gia đình này tình cảm gia đình đã dần bị mai một và thay thế bằng những suy nghĩ thực dụng, tiêu cực. Tình máu mủ ruột rà dần bị bao phủ bởi lòng tham lam và sự ích kỷ. Trong những vụ án anh em, chồng vợ giết hại nhau, người chết, người đi tù và hậu quả lớn nhất là những đứa trẻ tội nghiệp bơ vơ không nơi nương tựa. Sau này chúng sẽ dễ bị ám ảnh và nảy sinh thù hận.

Hãy nghĩ đến tương lai của những đứa trẻ để không hành xử nông nổi, gây tội ác. Cần tạo điều kiện để trẻ em được sống trong mối quan tâm chân thành. Đặc biệt, từng bước cần phải giáo dục các em hiểu được nỗi đau và xoa dịu những thù hằn mà trước đây người lớn gây nên.

Tin cùng chuyên mục