Đừng để mưa lũ thành tai họa

Mới đầu mùa mưa, nước lũ chưa về nhưng nhiều nơi ở ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng sạt lở. Ở một số vùng ven biển của Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre … nhiều đoạn đê biển bị sóng đánh vỡ và chọc thủng. Hàng ngàn gia đình sống trong vùng nguy hiểm đã phải sơ tán khẩn cấp. Các tuyến sông Tiền, sông Hậu và nhiều sông khác có những đoạn bị sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Bài học xương máu từ đợt triều cường vào tháng 9-1992 ở Sóc Trăng và Trà Vinh vượt qua phòng tuyến đê biển, nhấn chìm hàng ngàn ha nuôi thủy sản và cây trồng của nhân dân, trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Ba năm qua, tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở làm cầu đường, hàng chục ngôi nhà bị nước cuốn, làm nhiều người thiệt mạng và tài sản người dân trôi theo dòng nước. Chỉ mới đây thôi, nhiều đoạn đê biển của Cà Mau, Bạc Liêu bị sóng nhồi; nhà cửa, ao đầm nuôi tôm theo bọt biển ra đi. Bao năm qua, không thể thống kê hết những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Theo thống kê từ thảm họa mưa lũ ở ĐBSCL thời gian qua cho thấy: Một phần không nhỏ do con người gây ra. Việc khai thác cát bừa bãi nhiều đoạn ven sông Tiền, sông Hậu đã làm xói mòn dòng chảy. Không ít người dân sống trong vùng sạt lở đã tỏ ra coi thường sinh mạng và tài sản của mình. Những kênh rạch nhỏ ở một số địa phương nhiều năm không được nạo vét cũng làm cản trở dòng chảy, gây sạt lở. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do thiên nhiên, đặc biệt gần đây do thời tiết thất thường của biến đổi khí hậu. Ở vùng thượng nguồn sông Cửu Long và các con sông khác, vào mùa lũ, nước chảy dữ dội, cuốn phăng tất cả những vật cản trên đường đi của nó, nên không bờ đập nào chịu nổi trước sức tàn phá ghê gớm của thủy thần.

Những năm qua, các địa phương ĐBSCL được Chính phủ đầu tư nhiều công trình phòng chống và khắc phục thiên tai. Các cụm tuyến dân cư vượt lũ đã đem lại hiệu quả tích cực. Trên 80% nhân dân ở các vùng ngập lũ nguy hiểm đã được vào ở. Một số địa phương vùng ven biển như Sóc Trăng, Trà Vinh… rất tích cực đắp đê và trồng rừng phòng hộ chống triều cường và chắn sóng. Tuy nhiên, không ít địa phương vẫn còn lơ là trong việc phòng chống mưa lũ, sạt lở; cho nên nhiều vụ việc xảy ra đã trở tay không kịp. Năm 2010, lũ không về, nhưng không vì thế mà chủ quan. Chương trình xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ phải được tiếp tục thực hiện đến khi hoàn thành. Các địa phương cần tích cực đắp đê (cả biển và sông), nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sạt lở. Phải xử lý triệt để, phạt nặng những kẻ khai thác cát trái phép trên sông Tiền, sông Hậu. Nhanh chóng di dời những hộ dân sống trong vùng sạt lở, lũ sâu nguy hiểm vào nơi an toàn, giúp đỡ người bị nạn và có chính sách đầu tư cho họ, đảm bảo cuộc sống.

Lê Bình

Tin cùng chuyên mục