Đừng để nước đến chân mới nhảy

Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1-1-2013 đã nêu bật tinh thần chủ đạo là vấn đề tự chủ của đại học (ĐH). Theo đó, một trong vấn đề tự chủ đầu tiên mà các trường phải thực thi là tự chủ trong tuyển sinh. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ban hành ngày 4-11-2013 cũng nêu rất rõ, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH. Lộ trình Bộ GD-ĐT đã nhiều lần công bố cũng chỉ rõ, kỳ thi ĐH chung sẽ chỉ duy trì từ nay đến hết 2015. Sau năm 2015, các trường phải “ra riêng” trong việc tuyển sinh. Nghĩa là, dù muốn nay không, tất cả các trường ĐH sẽ phải tự mình gánh lấy việc tuyển sinh trong thời gian tới.

Tinh thần là vậy, nhưng có thể thấy, tại thời điểm này, tâm thế chuẩn bị cho việc tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH là khác nhau. Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay bộ đã nhận được 17 đề án tuyển sinh ĐH riêng, tất cả đều của các trường ngoài công lập. Chưa có trường công lập nào trình đề án, kể cả trường ĐHQG Hà Nội vốn đã công bố thông tin từ năm 2014 sẽ thí điểm tuyển sinh riêng. Điều này cho thấy, các trường ĐH công đang rất thận trọng trong việc tự chủ tuyển sinh.

Nhìn lại công tác tuyển sinh thời gian qua, có thể thấy hầu hết các trường ĐH khối ngoài công lập đã mong muốn chấm dứt kỳ thi ĐH chung từ lâu. Họ đều mong muốn xóa bỏ điểm sàn ĐH, muốn tự mình tuyển sinh. Một số trường ĐH ngoài công lập, đơn cử như ĐH FPT dù vẫn phải tuân theo quy định của kỳ tuyển sinh ĐH chung, nhưng vẫn “lách” bằng cách tổ chức riêng kỳ sơ tuyển vào trường kết hợp kết quả kỳ thi ĐH chung để phục vụ ý đồ đào tạo của mình.

Ngược lại, hầu hết các trường ĐH công lập, kể cả những trường ĐH tốp trên vẫn thích kỳ thi ĐH chung, vì đơn giản là các trường sẽ được “nhàn”, bởi hầu hết những khâu quan trọng nhất đã có Bộ GD-ĐT lo cho, đặc biệt là khâu ra đề thi, vốn là khâu mà các trường e dè nhất trong tuyển sinh.

Cho đến thời điểm này, ĐHQG Hà Nội là ĐH công lập đầu tiên công bố bước đầu về đề án tự chủ tuyển sinh. Theo đó, trường sẽ thí điểm phương pháp thi đánh giá năng lực thí sinh chứ không phải qua các môn thi đơn lẻ như kỳ thi tuyển sinh “ba chung” hiện nay. Đây là phương án được các chuyên gia đánh giá có nhiều ưu điểm, nhưng có vẻ như ngay bản thân trường ĐH đầu tàu này vẫn còn rất thận trọng vì chậm trình đề án lên bộ.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, hiện nay Bộ GD-ĐT đang trong quá trình sửa đổi quy chế tuyển sinh, theo đó sẽ có những tiêu chí, quy định về tự chủ tuyển sinh được đưa vào quy chế sửa đổi để các trường ĐH áp dụng theo Luật Giáo dục ĐH. Như vậy, ngay trong năm 2014, trường nào có đề án tuyển sinh riêng thỏa mãn các quy định tiêu chí của quy chế tuyển sinh thì sẽ được phép tuyển sinh riêng. Còn trường nào chưa có đề án tuyển sinh riêng thỏa mãn yêu cầu thì vẫn tiếp tục tuyển sinh 3 chung cho đến năm 2015.

Tức là vài năm tới vẫn được coi là giai đoạn trung gian, Bộ GD-ĐT vẫn giúp các trường trong khâu tuyển sinh trong khi chờ đợi các trường hoàn thiện phương án tuyển sinh riêng của mình, còn sau năm 2015 mới bắt buộc các trường phải tự chủ tuyển sinh.

Tuyển sinh riêng vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội của các trường thể hiện uy tín của mình với xã hội. Khi các trường đa dạng được cách tuyển sinh, giáo dục ĐH Việt Nam sẽ có cơ hội đa dạng được hoạt động đào tạo, không cứng nhắc đầu vào như kỳ tuyển sinh chung hiện nay nữa. Bởi vậy, xã hội đang rất mong các trường ĐH khẩn trương trình đề án tuyển sinh riêng để cơ quan quản lý nhà nước cũng như xã hội có thời gian góp ý, giám sát đề án tuyển sinh của từng trường.

Càng chuẩn bị sớm thì xã hội càng giám sát tốt phương án tuyển sinh của các trường, để có được những cách tuyển sinh phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Cũng rất cần thiết Bộ GD-ĐT phải đề ra lộ trình cụ thể để các trường trình phương án tuyển sinh riêng.

Không thể nói chung chung là sau 2015 sẽ giao tự chủ tuyển sinh. Nếu Bộ GD-ĐT cũng như các trường ĐH cứ chần chừ, để “nước đến chân mới nhảy” thì cách tuyển sinh sẽ chỉ thêm vội vàng, kém hiệu quả. Đó là chưa kể, để “nước đến chân mới nhảy” thì càng tạo điều kiện để cơ chế xin - cho nảy nở, vì thực tế đề án tuyển sinh riêng của các trường vẫn phải trình lên bộ, Bộ GD-ĐT “gật đầu” thì các trường mới được phép triển khai.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục