Đừng để quy hoạch “treo” giáo dục nghề nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định Phê duyệt mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó yêu cầu giảm 20% số trường nghề công trong 2 năm tới (tới năm 2025) và giảm ít nhất 30% trường nghề công cho tới năm 2030.

Quyết định này cụ thể hóa chính sách của Đảng trong việc sắp xếp lại các tổ chức bộ máy để sử dụng hiệu quả nguồn lực con người, đất đai, cơ sở vật chất. Việc quy hoạch phát triển hệ thống GDNN là việc làm cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, những mục tiêu đưa ra về sự cắt giảm, ghép nối “trên giấy” nếu không tính đến những yếu tố khác sẽ dẫn đến rủi ro khó lường.

Trong một báo cáo đánh giá hệ thống GDNN Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng: “Thiếu số liệu thống kê quốc gia làm cơ sở lập kế hoạch và giám sát, đánh giá tiến độ của từng lĩnh vực ngành. Với số liệu thống kê hiện tại, không có bức tranh rõ ràng ở cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố. Không thể biết chuyện gì đang xảy ra trong hệ thống GDNN”.

Còn trong một báo cáo quốc tế đánh giá thực hiện chiến lược GDNN giai đoạn 2011-2020 và khuyến nghị đối với chiến lược giai đoạn 2021-2030, các chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng “tình trạng thu thập dữ liệu hiện tại vẫn chưa đủ để cho phép tư vấn chính sách dựa trên bằng chứng. Sự phát triển của giám sát hệ thống nhất quán liên kết với nghiên cứu có hệ thống về GDNN là chìa khóa cho một hệ thống GDNN định hướng theo nhu cầu và dựa trên bằng chứng”.

Như vậy, rủi ro đầu tiên là không có đủ thông tin từ đầu vào tuyển sinh (vì hiện nay 2 đối tượng nguồn tuyển của GDNN là học sinh THCS và THPT đều do Bộ GD-ĐT nắm và điều tiết), trong khi thông tin thị trường lao động không rõ, dẫn đến cơ cấu ngành nghề đào tạo, số lượng tuyển sinh khó dự báo để có bức tranh tổng thể của mạng lưới GDNN sau quy hoạch. Trên bình diện quốc gia, không thể tách riêng quy hoạch lĩnh vực thuộc một bộ quản lý mà không chú ý đến quy hoạch khác thuộc hệ thống. Vẫn còn vài vấn đề trong quy hoạch còn bỏ ngỏ, như sự phát triển cơ sở GDNN tư nhân thế nào? Đó là chưa kể hàng triệu người lao động trong các doanh nghiệp cần được nâng cấp kỹ năng.

Quy hoạch tổ chức là một bài toán rất phức tạp, chịu chi phối nhiều yếu tố về kinh tế, chính trị, văn hóa... đòi hỏi phải có tư duy hệ thống khi thiết kế quy hoạch. Nếu quy hoạch mà vẫn không có tư duy chiến lược trước khi sáp nhập, thiếu thông tin, thì đường hướng phát triển hậu sáp nhập sẽ gây ra nhiều thách thức về mục tiêu ưu tiên, năng lực quản trị của một trường đa ngành nghề, phân bổ nguồn lực, xung đột văn hóa tổ chức... Hệ quả kéo theo là ảnh hưởng đến quy mô tuyển sinh và chất lượng đào tạo.

Thiếu chủ động thông tin đầu vào (tuyển sinh, đội ngũ giáo viên, tài chính...), điều phối nguồn lực hiệu quả, không rõ nhu cầu đầu ra... thì việc quy hoạch rất dễ gặp rủi ro. Chỉ cần một vài doanh nghiệp cung cấp thiết bị cho GDNN vi phạm pháp luật trong đấu thầu cũng có thể gây ra rủi ro của việc thực hiện quy hoạch. Chính vì vậy, muốn quy hoạch tốt thì phải chủ động hay dự báo được nhu cầu đầu vào và thông tin nhu cầu ở đầu ra chứ không thể quy hoạch “mỗi khúc giữa” bằng ý muốn chủ quan.

Tin cùng chuyên mục