Cuộc vận động “Người Việt Nam (VN) ưu tiên dùng hàng VN” có nhiều tính thiết thực. Trước hết, nói “hàng VN” phải hiểu là “hàng VN đảm bảo chất lượng” chứ không phải bất kỳ hàng VN nào. Hàng hóa phải ngày càng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, có giá cạnh tranh hơn thì người tiêu dùng mới mạnh dạn mua hàng nội địa thay vì phân vân khi so sánh với hàng hóa cùng loại của nước ngoài.
Tính thiết thực lớn nhất phải là yếu tố lợi ích của người tiêu dùng. Đó là sản phẩm phải có chất lượng tốt, dùng bền, an toàn, giá cả hợp lý. Vì vậy, không thể kêu gọi “ưu tiên” suông mà phải nhắm đến lợi ích thực sự của người tiêu dùng. Người VN dùng hàng VN là góp phần kích thích sản xuất trong nước, vừa tạo điều kiện tiêu thụ các nguyên liệu (phần nhiều là các mặt hàng nông sản) vừa tạo thêm việc làm cho người lao động trong nước. Do đó, nếu tăng sức mua ngay thị trường trong nước thì cũng đồng nghĩa với tăng khả năng sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp (DN) trong nước, đồng thời giúp cho nhiều lao động có việc làm. Lẽ dĩ nhiên, khi kích thích sản xuất trong nước thì cũng tạo điều kiện thúc đẩy cải tiến sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học và tạo ra “làn sóng” ứng dụng khoa học trong sản xuất, kinh doanh. Sử dụng hàng hóa trong nước cũng góp phần tiết kiệm ngoại tệ, tích lũy nội lực, từ đó làm cơ sở để đầu tư lớn và thúc đẩy đất nước phát triển mạnh hơn.
Tất cả những yếu tố này sẽ đưa đến kết quả mang tính “dây chuyền”: nền kinh tế vĩ mô được ổn định, DN có thêm lợi nhuận, người lao động có thêm thu nhập, tình hình trật tự xã hội được đảm bảo… kích thích tăng sức mua, tác động tích cực đến toàn xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho chính những người đã ủng hộ hàng VN.
Xét ở góc độ tâm lý, tình cảm, người VN (ưu tiên) dùng hàng VN chính là thể hiện lòng yêu quý các sản phẩm của người mình, của đất nước mình, từ đó khẳng định được lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Đây là một thứ “vốn” quý giá, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN không tách rời lợi ích của cộng đồng, của đất nước và của bản thân DN. Đó là tính nhân văn trong hoạt động kinh tế.
NGUYỄN MINH HẢI (quận 3)