Chiều 18-3, tại khuôn viên trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội, xuất hiện nhà bạt cỡ lớn với hàng ngàn chỗ ngồi cùng hệ thống màn hình lớn. Khu vực này là nơi dành cho các bị hại theo dõi diễn biến phiên xét xử.
Theo quan sát, hệ thống màn hình lớn tại nhà bạt được kết nối trực tiếp với hội trường xét xử chính nhằm bảo đảm diễn biến phiên tòa luôn được khớp nối, thông suốt ở tất cả các vị trí, không gian liên quan.
Đến nay, công tác âm thanh, ánh sáng, đường truyền trực tuyến và các thiết bị phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm an toàn, an ninh đã cơ bản được Tòa án nhân dân TP Hà Nội lắp đặt, triển khai xong.
Cùng với khu vực nhà bạt lớn, các bị hại, người liên quan còn được bố trí ngồi ngay tại hội trường trung tâm (nơi hội đồng xét xử làm việc) có sức chứa khoảng trên dưới 400 người và một hội trường sát phòng hội đồng xét xử làm việc với hơn 500 chỗ ngồi. Tại đây cũng được lắp đặt các màn hình cỡ lớn cùng đường truyền trực tuyến, kết nối với hội trường trung tâm.
Cùng ngày, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đã trực tiếp đi kiểm tra từng vị trí, bộ phận liên quan đến phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án.
Theo đó, công tác bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ khu vực ngoài cổng tòa cũng đã được Tòa án nhân dân TP Hà Nội cùng đơn vị cảnh sát hỗ trợ tư pháp (Công an TP Hà Nội) và công an phường sở tại lên phương án để triển khai trong suốt những ngày diễn ra phiên xử.
Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí cử phóng viên theo dõi, đưa tin phiên tòa, Tòa án nhân dân TP Hà Nội bố trí một hội trường riêng. Mọi diễn biến về phiên xử sẽ được truyền tải tới các phóng viên thông qua đường truyền trực tuyến và màn hình tivi.
Theo quyết định xét xử, phiên xử do Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân TP Hà Nội) làm chủ tọa.
Hiện có hơn 20 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng, luật sư Nguyễn Văn Tú (Công ty Luật FANCI) bào chữa cho bị cáo Đỗ Hoàng Việt. Liên quan đến vụ án, 6.630 nhà đầu tư được xác định là người bị hại cũng được triệu tập đến phiên xử.
Trong vụ án này, 15 bị cáo cùng bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, 2 bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh) và Đỗ Hoàng Việt (con trai bị cáo Dũng) bị xác định giữ vai trò chính, lớn nhất trong vụ án; 8 bị cáo thuộc Tân Hoàng Minh và 5 bị cáo khác bị xác định giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Theo cáo trạng, do khó khăn về tài chính và để có chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, từ tháng 6-2021 đến tháng 3-2022, bị cáo Đỗ Anh Dũng đã thống nhất chủ trương và thông qua con trai Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị cáo đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 doanh nghiệp phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng nhằm huy động tiền.
Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu: ngụy tạo hoạt động kinh doanh bằng hình thức ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tân Hoàng Minh.
Các bị cáo đã thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Viện kiểm sát xác định, các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỷ đồng.