
Những năm qua, các dự án nuôi tôm trên cát ven biển ở huyện Phù Mỹ đã mang lại lợi ích cao, dẫn đến tình trạng nhiều người dân tranh giành, lấn chiếm đất đất cát để xây dựng hồ nuôi tôm.
Năm 2002, UBND tỉnh Bình Định tiến hành quy hoạch khu vực đất cát ven biển, với diện tích 200ha thuộc 2 xã Mỹ An, Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ), để phát triển phong trào nuôi tôm trên cát. Nhờ vào những lợi thế về điều kiện địa lý tự nhiên, như môi trường nước khá trong sạch, có thể chủ động trong tháo nước từ các hồ, hạn chế dịch bệnh tôm và sự đầu tư tương đối bài bản về cơ sở hạ tầng của nhà nước (đường giao thông, điện lưới, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải trong vùng quy hoạch...), nên chỉ sau một thời gian ngắn, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đăng ký đầu tư hết diện tích đã được quy hoạch và xúc tiến ngay việc xây dựng ao nuôi tôm. Qua các vụ nuôi, hầu hết đều có lãi, nhiều ao đạt mức lãi trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Từ lợi ích của con tôm, trong thời gian gần đây ở 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng đã xảy ra tình trạng tranh giành đất cát để đầu tư xây dựng ao nuôi tôm, đặc biệt là ở khu vực nằm ngoài vùng quy hoạch.
Tại 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng, hiện còn hơn 100 ha chưa được quy hoạch. Chủ trương của địa phương là sẽ cấp diện tích này cho dân để nuôi tôm sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải...
Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở đây rất nóng lòng do đã nộp đơn xin cấp đất, nhưng chưa được giải quyết vì chưa xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều người đã ngang nhiên tranh giành, lấn chiếm diện tích đất cát còn lại này để xây dựng hồ nuôi tôm. Với sự hỗ trợ của máy móc, hiện khu đất cát này đã bị cày xới, nhiều diện tích dương phòng hộ đã bị triệt hạ, để xây dựng ao nuôi tôm.
Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn xã Mỹ An có 37 hộ lấn chiếm đất, bình quân mỗi hộ lấn chiếm trên 3.000m2 để xây dựng hồ tôm. Nhiều hộ xây dựng nhà để chứa vật liệu, rồi thuê máy xúc, máy ủi và huy động lao động hì hục làm cả ngày lẫn đêm, bất chấp sự can thiệp của chính quyền.
Qua khảo sát, các ao nuôi tôm ở đây đều không có hệ thống xử lý chất thải mà phần lớn là xả ra những chỗ đất trũng và thải trực tiếp ra biển. Thời gian đầu có thể chưa gây ra ảnh hưởng đáng kể. Nhưng nếu để kéo dài thì có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không những thế, các hộ nuôi tôm ở đây còn tự do khai thác nguồn nước ngầm một cách bừa bãi, gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Khu vực nuôi tôm là bãi ngang ven biển, nơi mà nguồn nước ngọt rất hạn chế so với các nơi khác. Nhiều nơi nước ngọt thậm chí còn không đủ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Mặt khác mùa vụ nuôi chính lại rơi vào mùa khô-thời điểm khan hiếm nước ngọt trong năm.
Nếu việc khai thác nước ngầm phục vụ hoạt động nuôi tôm trên cát vượt quá giới hạn cho phép có thể dẫn tới sụt lở địa tầng, cạn kiệt nguồn nước ngầm ngọt, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân và cho sản xuất nông nghiệp tại các khu vực lân cận.
UBND tỉnh Bình Định đã ra tay khi vừa có quyết định đình chỉ việc xây dựng ao nuôi tôm trên cát tại đây. Theo quyết định này, UBND tỉnh chỉ cho phép phát triển nuôi tôm trong vùng quy hoạch, không cho nuôi tôm ngoài khu quy hoạch để đảm bảo phát triển bền vững môi trường lâu dài.
NGỌC THÁI