Giao lưu Chương trình “Kỷ vật những người đi B” tại Trường Sĩ quan Lục quân 2

Đừng quên họ

Đừng quên họ

Tối 17-12, tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Long Thành), hơn 4.000 cán bộ, học viên trường đã tham dự buổi giao lưu Chương trình “Kỷ vật những người đi B” do báo Sài Gòn Giải Phóng và Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp tổ chức.

Đừng quên họ ảnh 1

Trung tướng Lê Nam Phong; Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Đức Xê, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2; Đại tá, Thạc sĩ Đặng Huy Tập, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2; nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Tổng Biên tập Thường trực báo SGGP; nhạc sĩ Thế Hải, cán bộ báo SGGP- những cán bộ, chiến sĩ đi B năm xưa đã giao lưu cùng các học viên nhà trường.

Trong lời phát biểu khai mạc buổi giao lưu, nhà văn Trần Văn Tuấn đã nêu bật ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện Chương trình “Kỷ vật những người đi B” và nhấn mạnh: Cụm từ đi B đã đi vào lịch sử, văn hóa của dân tộc. Những kỷ vật của người đi B chính là minh chứng thể hiện sức sống, sự sáng tạo và bản lĩnh của người lính trong những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc...

Hướng về những người đi B năm xưa còn đang sống khó khăn hôm nay là nghĩa cử, là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc ta. Những người làm chương trình muốn gởi tới mọi người một thông điệp mang tính văn hóa xã hội là “đừng quên họ”- những người đi B năm xưa.

Thiếu tướng, thạc sĩ Nguyễn Viết Khai, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, “với những câu chuyện kể, những lời tâm sự của các đồng chí nguyên là những cán bộ đi B thời chống Mỹ và những kỷ vật mà họ còn giữ lại, chương trình giao lưu là một dịp tốt để cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ, CNV của trường có điều kiện để hiểu sâu sắc hơn về một thời kỳ lịch sử oanh liệt, về mục tiêu lý tưởng, lẽ sống, lòng nhiệt huyết cách mạng, những cống hiến, hy sinh, của các thế hệ cha anh, cụ thể là của các cán bộ chiến sĩ đi B...”.

Không khí đêm giao lưu thật sự xúc động khi hàng ngàn học viên- những sĩ quan tương lai chăm chú nghe những câu chuyện kể về đồng đội năm xưa của Trung tướng Lê Nam Phong. Mỗi câu chuyện kể là một bằng chứng sống, thể hiện rõ nét tinh thần yêu nước của con người Việt Nam, trong mọi thời đại.

Từng là cán bộ chỉ huy nhiều trận đánh ở chiến trường miền Nam nhưng trong câu chuyện kể về những đồng đội hiện còn sống khó khăn, nhiều lúc ông không cầm được nước mắt. Suốt buổi giao lưu, ông đã hai lần nhắc lại, như để nhắn gởi thế hệ trẻ hôm nay:”Nhiều người đi B còn khó khăn lắm. Đừng quên họ!”.

Thay mặt cán bộ, học viên trường, Thiếu tướng Nguyễn Đức Xê đã trao tặng chương trình 10 triệu đồng, góp vào quỹ để giúp đỡ những người đi B còn đang khó khăn. Đúng 21 giờ, chương trình khép lại. Các cán bộ lãnh đạo, học viên trường cùng những người tổ chức chương trình đã bước lên sân khấu ngoài trời để cùng hát vang bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục