Nhớ về một chính ủy

Nhớ về một chính ủy

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng nhiều năm tiếp sau, tổ chức của quân đội ta từ cấp trung đoàn trở lên, bên cạnh đoàn trưởng, tư lệnh đều có chính ủy song quyền. Thời ấy, với chúng tôi hai từ “chính ủy” rất thiêng liêng và thân thương.

Bởi đó không chỉ là trụ cột, tiêu biểu cho linh hồn của Đảng trong đơn vị mà với con người cụ thể hầu hết đều là một “từ mẫu”, một người anh cả mẫu mực, độ lượng, trầm tĩnh có tầm nhìn thấu đáo toàn diện, biết thu phục nhân tâm, tập hợp trí tuệ tập thể đưa ra những ý kiến, quyết định chính xác trong lãnh đạo, chỉ huy.

Nhớ về một chính ủy ảnh 1
Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân Đặng Tính (1966).

Đồng chí Đặng Tính đã như là thần tượng về một Chính ủy trước con mắt toàn thể cán bộ, chiến sĩ Phòng không-Không quân của chúng tôi. Bởi chính ông đã hội đủ các điều đó. ở tuổi 20, ông đã tham gia phong trào Việt Minh, đi cướp súng của giặc Nhật để chuẩn bị tổng khởi nghĩa và đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám. ông lặn lội hoạt động, trưởng thành từ cơ sở. 


Trong kháng chiến chống Pháp đã từng kinh qua các cương vị: Bí thư Huyện ủy, Tỉnh đội trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu Ba, Tư lệnh khu Tả Ngạn, Cục phó Cục Dân quân, quyền Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu. Đặc biệt, tên tuổi ông đã nổi lên ở chiến khu Đông Triều.   
 
 
Và khi Quân chủng Phòng không-Không quân được thành lập (22-10-1963) để đáp ứng với nhiệm vụ nặng nề phải chuẩn bị đương đầu và đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ ở miền Bắc, ông đã được Bộ Chính trị và Bác Hồ kính yêu sắp xếp làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy quân chủng bên cạnh Tư lệnh Phùng Thế Tài. Trước đó, ông đã từng là Cục trưởng Cục Không quân và Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam- tiền thân của Quân chủng Không quân và Tổng cục Hàng không Việt Nam.

“Tôi rất mừng được cấp trên sắp xếp để anh Đặng Tính làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy quân chủng khi tôi làm Tư lệnh quân chủng. Có anh Tính ở bên, tôi đã phát huy được hết mặt mạnh vốn có, nhưng đồng thời vì kính nể và cả quý mến anh, tôi đã kiềm chế được tối đa những nhược điểm của mình”. Cho đến nay, khi đã nghỉ hưu, Thượng tướng nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài mỗi khi nhắc đến Chính ủy Đặng Tính – người bạn chiến đấu thân thiết của mình - đều vẫn còn nói như vậy.

Với một cán bộ quân sự khá nổi tiếng chiến chinh làm tư lệnh, nếu vị chính ủy ở bên không phải là một người có chiều dày kinh nghiệm cả quân sự, chính trị lại liêm khiết, đức độ như đồng chí Đặng Tính dễ gì được ông vì nể, quý mến để rồi tuy hai nhưng là một tạo nên sức mạnh trước hết trong Quân chủng Phòng không-Không quân chúng tôi. “Muốn đánh thắng được không quân đế quốc Mỹ phải: Dám đánh, quyết đánh và biết đánh”.

Đề xuất này của Chính ủy Đặng Tính trước hết đã được Tư lệnh Phùng Thế Tài đồng tình và đã thành nghị quyết của Đảng ủy quân chủng về tư tưởng chủ đạo chiến tranh đối với một quân chủng kỹ thuật phải đương đầu với một kẻ thù sừng sỏ là đế quốc Mỹ. Chính tư tưởng chủ đạo này đã là “cẩm nang” xuyên suốt mở đường cho Quân chủng Phòng không-Không quân chúng tôi đánh thắng giặc Mỹ trong cả hai thời kỳ Giôn-xơn và Ních-xơn.

Chính ủy - tác giả của “Sáu chữ vàng” này đã không dừng việc phát huy hiệu quả của nó ở nghị quyết và ở các cuộc hội thảo. ông đã thể nghiệm tư tưởng chỉ đạo này qua nhiều chuyến đi “ba cùng” (cùng ăn ở, cùng chiến đấu, cùng trao đổi) với bộ đội ở các trận địa, sân bay, trong đó có nhiều chuyện tôi đã được đi cùng ông với tư cách là nhà báo của Báo Phòng không - Không quân.

Nhớ về một chính ủy ảnh 2
Chiến sĩ Binh chủng Phòng không Không quân tham gia trợ giúp dân bị bão lụt thời bình.

Lần vào cầu Hàm Rồng tháng 8 năm 1965 khi địch đang đánh phá ác liệt ở đây, lúc chiếc xe con đưa chính ủy và chúng tôi đến được một trận địa ở phía Nam cầu, trời đã chuyển sang ngày mới. Sau mấy đợt đã báo động và nổ súng chiến đấu, cả trận địa đang im lìm chìm trong màn đêm mêmh mông. “Hãy cho xe dừng lại ở khu vực nhà bếp, đừng lên sở chỉ huy ở trên đồi vội. Để cho anh em được ngủ yên đôi chút lấy sức”, Chính ủy Đặng Tính nói nhỏ với chiến sĩ lái xe. 


Và khi đồng chí bếp trưởng sửng sốt thấy Chính ủy quân chủng xuất hiện lại không được ông cho phép đi báo cáo với chỉ huy đại đội đã khăng khăng nhường giường của mình cho ông ngủ, nhưng ông đã dành phần đó cho đồng chí lái xe, còn ông cùng chúng tôi trải bạt nằm ngủ ngay trên nền đất. Vừa nằm được chừng 30 phút, kẻng báo động chiến đấu của đại đội đã vang lên. 
 
 
 
Đến lúc này chỉ huy đại đội mới tròn mắt ngạc nhiên biết có Chính ủy quân chủng đang ở trên trận địa của mình. Ông đã không về hầm sở chỉ huy theo lời đề nghị tha thiết của các anh mà đến ngồi bên các trắc thủ ra đa Sôn-9. Thời gian gần đây giặc Mỹ đã giở thủ đoạn mới: Máy bay của chúng từ xa đã phóng tên lửa không đối đất xuống các đài ra đa cảnh giới của ta.

Sau một lần ra đa của đơn vị bị bắn hỏng, các chiến sĩ ở đây đã không bị địch đánh lừa bằng các tốp nghi binh và đã “gạt” được rất tài tên lửa Sơ-rai của địch ra khỏi đài. Bằng thực tế ở đây, ông muốn tận mắt thấy được sự mưu trí quả cảm của các chiến sĩ trong quân chủng và ông đã đạt được ý định ấy trong trận thắng bắn rơi một máy bay Mỹ của đơn vị mà ông đến “ba cùng” lần này.

Một lần khác, tôi đi cùng ông đến “mặt trận đường 5” vào tháng 7-1967 khi giặc Mỹ đang tập trung đánh lớn vào các cầu ở đây. Lần này tôi lại được mục kích những ánh mắt kính phục của các cán bộ Trung đoàn 220 pháo cao xạ khi thấy ông đầu mang mũ sắt đang tươi cười bắt tay động viên các chiến sĩ bảo vệ cầu Phú Lương lúc anh em vừa kết thúc thắng lợi trận đánh đang còn ngồi trên mâm pháo. Nụ cười của ông không chỉ tỏa sáng sang những gương mặt đang còn sạm màu thuốc súng của các pháo thủ ấy mà còn rạng tươi tỏa sáng mãi trong lòng chúng tôi.

Hôm nay, nhìn lại nụ cười ấy đã được phóng viên Xuân Ất ghi lại bằng tấm hình in trên báo Phòng không-Không quân, tôi càng nhớ ông. Nhớ hình ảnh của ông trong mọi hoạt động của quân chủng và nhớ sâu sắc nhất là những hình ảnh của ông đối với giới báo chí, văn nghệ trong quân chủng chúng tôi. ông là bạn đọc, đọc sớm nhất và không bỏ sót một số báo Phòng không-Không quân nào.

Ông đã được cấp trên điều vào bổ sung cán bộ lãnh đạo cho chiến trường làm Chính ủy Đoàn 559 bên cạnh Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và đến ngày 4-4-1973 ông đã anh dũng hy sinh trên đường đi làm nhiệm vụ quan trọng của đất nước.

Tin ông hy sinh đã làm chúng tôi bàng hoàng, đau xót và cứ mong rằng đó không phải là sự thật! Tuy rằng đã gần 4 năm ông rời quân chủng, nhưng trong lòng chúng tôi – những cán bộ, chiến sĩ Phòng không-Không quân - ông vẫn là Chính ủy của mình. Với ông, sự ra đi đã thăng hoa để mãi mãi hòa vào mùa xuân của đất nước.

Hà Bình Nhưỡng

Tin cùng chuyên mục