Người xưa đâu tá?

Người xưa đâu tá?
Người xưa đâu tá? ảnh 1
Bà Vũ Thị Nga và ông Lâm Giang vẫn trân trọng giữ gìn những kỷ vật của đồng đội.

Căn nhà nhỏ chưa đầy 50m2 ở số 40B Lê Thái Tổ- Hà Nội của hai ông bà luôn là nơi tụ tập bạn bè, đồng đội trong những ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết. Cùng Sư đoàn 338, đồng đội của ông bà hầu hết là cán bộ, chiến sĩ quê Nam bộ tập kết ra Bắc đóng quân tại Xuân Mai – Hòa Bình.

Những năm 1960, 1961, 1962 lần lượt nhiều đợt cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu. Trước ngày lên đường, nhiều anh em về Hà Nội ghé thăm, tạm biệt ông bà Giang – Nga và gửi lại nhờ giữ giùm nhiều giấy tờ chứng nhận thành tích trong chiến đấu và học tập. Họ đều là những chiến sĩ thông minh, năng nổ và sục sôi nhiệt huyết trở về giải phóng quê hương…

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông bà Giang – Nga chờ đợi rồi cất công tìm về tận địa chỉ ghi trên giấy tờ của đồng đội, vẫn không gặp, kể cả thân nhân.

Những giấy tờ đó ông bà nâng niu, gìn giữ như kỷ vật quý báu gần nửa thế kỷ qua.

Giờ đây hai ông bà đều đã nghỉ hưu tại số nhà 271 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM, ngày đêm vẫn trông ngóng đồng đội cũ tìm đến…

Trong số kỷ vật này có bằng khen, giấy khen, thư khen, giấy chứng nhận Huy chương Chiến thắng, Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang của nhiều chiến sĩ như: Nguyễn Hiếu Tâm (sinh 1931, quê quán: Bàn Tân Định, Châu Thành, Cần Thơ), Lê Văn Lợi (sinh 1931, quê quán xã Linh Đông, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định), Huỳnh Văn Ba (sinh 1935, quê quán xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc)… Hưởng ứng đợt sưu tập kỷ vật của những người đi B, ông bà Lâm Giang và Vũ Thị Nga đã trao cho Bảo tàng Cách mạng TPHCM những kỷ vật trên và vẫn thầm mong có ngày gặp lại đồng đội xưa.

Kỷ vật đang trưng bày
  

Người xưa đâu tá? ảnh 2
Giấy chứng minh của đồng chí Trần Bôn.

* Bi đông của bác sĩ Nguyễn Văn Hoa - Phó phòng Quân y Miền mang từ miền Bắc vào miền Nam từ năm 1962.

Chiếc Bi đông này còn được đồng chí Hoa đựng nước uống phục vụ thương bệnh binh ở các đội phẫu thuật, các đội điều trị tiền phương thuộc Quân y Miền từ năm 1962 cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975.

* Giấy chứng minh của đồng chí Trần Bôn - Đơn vị Đ711, do Bộ Tổng Tham mưu cấp làm giấy đi đường dùng liên lạc với các trạm giao liên đón bộ đội từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu.

Được cấp ngày 19-7-1960, Giấy chứng minh là kỷ vật thân thương, ghi dấu một giai đoạn lịch sử của bản thân và cả dân tộc.

Đồng chí Trần Bôn đã trao kỷ vật này cho Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông.

* Năm 1963, trong hành trang vượt Trường Sơn, bác sĩ - đại tá Phạm Kinh có cuốn sách giúp trí nhớ “Điều trị học”. Đây là cuốn sách quý được bác sĩ gửi mua từ Italia dùng để nghiên cứu, giảng dạy, huấn luyện, đào tạo cán bộ, chiến sĩ ngành Quân y (y tá, y sĩ, cứu thương) suốt một địa bàn rộng lớn từ khu 6 đến miền Đông Nam bộ, trong thời gian từ 1963 đến 1975. Kỷ vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông.

N.TH.H–BTMĐ
 

Tin cùng chuyên mục