Giao lưu Chương trình “Kỷ vật những người đi B” tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM

Sống động những câu chuyện bây giờ mới kể

Sống động những câu chuyện bây giờ mới kể

Buổi giao lưu cuối cùng trong chuỗi hoạt động giao lưu Chương trình “Kỷ vật những người đi B” với sinh viên các trường đại học và học viên các trường sĩ quan quân đội kết thúc tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM (ĐHKHTN) vào sáng 20-12.

Khi người dẫn chương trình mời các nhân vật từng đi B năm xưa lên ghế giao lưu, nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã kể nhiều câu chuyện thú vị về vị chỉ huy lừng lẫy một thời được đồng đội đặt cho nhiều cái tên nghe rất lạ nhưng rất đỗi cá tính: Năm Lửa, Năm Hỏa lực, Năm Bình ton... Đó là Trung tướng Lê Nam Phong.

Sống động những câu chuyện bây giờ mới kể ảnh 1

Trong kháng chiến chống Mỹ, sư đoàn do ông chỉ huy là đơn vị đánh chiếm, cắm cờ giải phóng tỉnh Phước Long; trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, sư đoàn cũng được giao nhiệm vụ chiếm dinh Độc Lập nhưng do nửa đường được lệnh giải phóng Biên Hòa nên đến cổng dinh Độc Lập trễ mất.

Trò chuyện với các bạn sinh viên trường, nhà báo Đinh Phong; thầy giáo Kiều Xuân Long, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo SGGP; Thạc sĩ Trần Công Lý, giảng viên Trường ĐHKHTN đều cho các bạn trẻ hiểu rằng, đi B là một chặng đường gian khổ, chặng đường rèn luyện ý chí nghị lực của người chiến sĩ.

Câu chuyện mất dép của nhà văn Trần Văn Tuấn lại ẩn chứa sự cao đẹp của tình đồng đội trong gian khổ. Mỗi người phải nhường một chiếc dép để giúp đồng chí mình vượt qua chặng đường đầy núi non hiểm trở trong 3 ngày trời.

4 o dân quân, nữ pháo binh Ngư Thủy từ “đất lửa” Quảng Bình” vào TPHCM theo lời mời của Ban tổ chức Chương trình “Kỷ vật những người đi B” xuất hiện tại buổi giao lưu cùng sinh viên Trường ĐHKHTN một cách bất ngờ, đầy ấn tượng. Giữa chương trình, các bạn trẻ đã được xem bộ phim “Những cô gái Ngư Thủy”.

Phim kết thúc, các o ngồi ở hàng ghế đầu nước mắt ràn rụa. Cả hội trường lắng đọng bao cảm xúc khó tả. Phía dưới, nhiều sinh viên, thầy cô giáo mắt cũng rưng rưng.

Các thầy cô giáo trong Ban chấp hành công đoàn trường đã hội ý nhanh và “xuất quỹ” tặng quà cho các o dân quân, nữ pháo thủ Ngư Thủy đang có mặt. Món quà không lớn nhưng đó là tấm lòng, là nghĩa cử với những người đi trước.

Qua 6 buổi giao lưu cùng các đơn vị trường học, Chương trình “Kỷ vật những người đi B” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức đã được sự hưởng ứng của lãnh đạo các đơn vị, nhất là các bạn trẻ sinh viên, học viên.

Số tiền ban tổ chức tiếp nhận từ các đơn vị: Học viện Lục quân (Đà Lạt): 15 triệu đồng, Trường Đại học Đà Lạt: 5 triệu đồng, Trường Sĩ quan Lục quân 2: 10 triệu đồng, Trường Đại học Sư phạm TPHCM: 20,5 triệu đồng, Trường Đại học Bách khoa TPHCM: 18 triệu đồng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM: 15 triệu đồng. 

Sáng 20-12 nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Báo SGGP và Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu giữa cựu chiến binh Trường Sơn với tuổi trẻ thành phố. Đại tá Nguyễn Linh Anh, nhạc sĩ Hồ Bông, đồng chí Mai Hoàng Lễ - nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong những tháng ngày đi B gian lao, vất vả, nhưng trái tim tràn đầy nhiệt huyết và mang một niềm tin chiến thắng tất thắng.

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục