Giao lưu Chương trình “Kỷ vật những người đi B” tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM

Sâu nặng bao kỷ niệm chiến trường

Tiếp nối chuỗi hoạt động giao lưu Chương trình “Kỷ vật những người đi B” tại các đơn vị quân đội và trường đại học, chiều 19-12, tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM- đơn vị được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, gần 200 cán bộ, sinh viên trường đã tham dự giao lưu cùng các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ từng đi B năm xưa.
Sâu nặng bao kỷ niệm chiến trường

Tiếp nối chuỗi hoạt động giao lưu Chương trình “Kỷ vật những người đi B” tại các đơn vị quân đội và trường đại học, chiều 19-12, tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM- đơn vị được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, gần 200 cán bộ, sinh viên trường đã tham dự giao lưu cùng các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ từng đi B năm xưa.

  • Thông điệp chuyển tải tới người đương thời
Sâu nặng bao kỷ niệm chiến trường ảnh 1

Trong lời phát biểu khai mạc buổi giao lưu, nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Tổng biên tập thường trực báo SGGP, thay mặt Ban tổ chức Chương trình “Kỷ vật những người đi B” đã nêu bật ý nghĩa của việc thực hiện chương trình và nhấn mạnh, “chương trình nhằm chuyển tải tới người đương thời thông điệp về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, về sự chia sẻ những khó khăn trong đời sống hôm nay.

TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa hy vọng rằng, “qua buổi giao lưu này, các bạn học sinh- sinh viên của trường càng hiểu rõ hơn truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam. Từ đó, chúng ta càng không ngừng phấn đấu rèn luyện, học tập để xứng đáng với truyền thống đó”.

Phần giao lưu với Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2; Đại tá Nguyễn Viết Tá, Tổng Biên tập báo Cựu chiến binh TPHCM; nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Tổng Biên tập thường trực báo SGGP; thầy giáo Võ Phổ, cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa; nhạc sĩ Thế Hải, cán bộ báo SGGP đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng những người có mặt tại khán phòng. Những kỷ niệm chiến trường, những vui buồn trên đường vào Nam chiến đấu, những cánh thư nhà vừa đi vừa đọc, những nỗi nhớ người thương xa cách... được những người đi B kể lại trong nỗi niềm cảm động sâu sắc.

  • Những bất ngờ đầy ấn tượng

Trong các nhân vật được mời lên giao lưu cùng sinh viên có thầy giáo Võ Phổ. Một thầy giáo có gương mặt hiền lành như bao người thầy giản dị khác nhưng trên ngực thầy lại kết đầy huân chương. Khi cô dẫn chương trình giới thiệu đôi nét về thầy, mọi người mới thật sự bất ngờ: Một trong những em bé miền Nam trong đoàn Dũng sĩ diệt Mỹ được Bác Hồ mời ra thăm miền Bắc 3 lần và cũng là người được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ tới... 12 lần. Mới đây, thầy vinh dự được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp tại Hà Nội. Người “thầy giáo dũng sĩ” bây giờ là tấm gương soi cho ý chí và nghị lực phấn đấu vươn lên của bao học trò mình đang có mặt tại buổi giao lưu.

Bất ngờ khác rất ấn tượng nữa là sự có mặt của bốn o dân quân pháo binh Ngư Thủy đến từ “đất lửa” Quảng Bình. Những người làm kịch bản chương trình đã cố tình không giới thiệu các nhân chứng sống này ngay từ đầu để tạo bất ngờ cho các sinh viên. Sau phần giao lưu với những tướng lĩnh, cán bộ đi B, đèn sân khấu bỗng tắt. Màn phông từ trên cao hạ xuống. Từ máy chiếu phát ra đoạn phim tài liệu “Những cô gái Ngư Thủy”.

Những cảnh chiến đấu ác liệt nhưng đầy kiên cường của các o trên trận địa pháo năm nào hiện ra. Đoạn phim kết thúc giữa chừng. Đèn bật sáng. Cô dẫn chương trình nói: Đoạn phim tư liệu vừa xem cho thấy cuộc kháng chiến của dân tộc ta vô cùng khó khăn, gian khổ. Những nhân vật các bạn vừa thấy trong phim (được quay ngay chiến trường năm xưa) hiện đang còn sống và... cũng đang ngồi trong khán phòng này. Các o: Trần Thị Huân (nguyên đại đội trưởng), Trần Thị Sô và Trần Thị Tất (nguyên pháo thủ số 4), Nguyễn Thị Sinh (nguyên pháo thủ số 3) lần lượt đứng dậy. Những tràng pháo tay lại vang lên giòn giã...

Buổi giao lưu còn có mặt anh thương binh Hoàng Xuân Quảng, cũng đến từ Quảng Bình, người nuôi mẹ bạn- một Bà mẹ Việt Nam anh hùng- bại liệt nằm một chỗ trong suốt 28 năm qua.

Chương trình giao lưu gói gọn trong gần 2 giờ đồng hồ nhưng thật bổ ích và tạo được nhiều ấn tượng trong lòng những người có mặt, nhất là các bạn sinh viên của trường. Tiếp nhận số tiền 18 triệu đồng của các thầy cô giáo, cán bộ, sinh viên trường đóng góp ủng hộ Chương trình “Kỷ vật những người đi B” từ tay TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Tổng biên tập báo SGGP chân thành cám ơn những “tấm lòng vàng” đã dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho những người đi B còn đang sống trong khó khăn. Ông hứa sẽ sử dụng số tiền trên đúng mục đích, ý nghĩa như tiêu chí của chương trình đã đề ra.

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục