Ngô Y Linh, tài hoa nghệ sĩ

Ngô Y Linh, tài hoa nghệ sĩ

Đến thăm những “kỷ vật của người đi B” tại Bảo tàng TPHCM không ít người trầm trồ trước sự khéo tay của Nghệ sĩ nhân dân - soạn giả Ngô Y Linh (1928-1978) khi chiêm ngưỡng những sản phẩm được ông chế tạo từ những chất liệu của Mỹ.
Mũ lưỡi trai, túi xách may từ vải chống đạn của Mỹ; khay trà, hộp đựng xà bông, dây rút dép làm từ vỏ pháo sáng; dao nhíp làm từ vỏ xe tăng; phin cà phê, đèn dầu, gạt tàn từ vỏ bom na pan… 
 

Ngô Y Linh, tài hoa nghệ sĩ ảnh 1

Những kỷ vật do NSND Ngô Y Linh chế tạo. Ảnh: V.T.H.

Những kỷ vật bé nhỏ, dễ thương ấy chỉ là số nhỏ những sản phẩm NSND Ngô Y Linh tự tay chế tạo mà về sau, khi giải phóng, vợ chồng soạn giả mang theo về thành phố làm kỷ niệm.

Bà Liên, vợ NSND Ngô Y Linh, kể lại: Hai vợ chồng quen nhau, lấy nhau từ kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu Tây Ninh, tới kháng chiến chống Mỹ, trở lại công tác ngay tại đây. Trong ngôi nhà tạm bợ (lúc là nhà lợp bằng ni lông, lúc lợp bằng lá trung quân) của hai vợ chồng NSND Ngô Y Linh nhìn góc nào cũng có những đồ dùng do ông tự tay làm lúc rảnh.
Ngoài việc tạo những đồ vật để làm vui thêm giờ rảnh rỗi, còn để phục vụ thiết thực cho cuộc sống bấy giờ rất khó khăn. Từ bộ bàn ghế tiếp khách làm từ gỗ và vỏ bom na pan cho đến dao, chảo, dụng cụ nấu bếp. 
 

Ngô Y Linh, tài hoa nghệ sĩ ảnh 2

NSND Ngô Y Linh và vợ con trong chiến khu miền Đông Nam bộ. Ảnh: Y.LY.

Còn phía ngoài nhà, chất góc những vỏ bom, vỏ pháo, ốc vít… những “nguyên liệu” mà ông gom được những buổi vào rừng nhặt nhạnh để thành đống, anh em bạn bè thi thoảng vẫn xin về làm kỷ vật. (Nghe đến đây, chúng tôi bùi ngùi nhớ câu chuyện “Chiếc lược ngà” cảm động của nhà văn Nguyễn Quang Sáng).

Những dụng cụ NSND Ngô Y Linh làm không chỉ phục vụ đời sống gia đình trong kháng chiến, khi giải phóng, những vật nhỏ được gia đình ông đưa về thành phố, tiếp tục sử dụng. Chính những nón lưỡi trai cho con, túi xách cho vợ trở thành “hàng độc” mà bà Liên mỗi lúc đựng đồ vẫn thấy tự hào.
Để may đồ từ vải chống đạn – vốn rất dai, rất cứng, ông phải dùng kim to, kèm theo cây dùi xuyên lỗ mới xỏ chỉ qua được. Còn vành lưỡi trai, phải cắt từ can đựng dầu lửa thời đó. Về sau, khi ông đã đi xa, bà Liên cất những kỷ vật vào tủ kính vì sợ thất lạc, làm mất.
Chính những sản phẩm mang đậm “chất chiến” ấy luôn nhắc bà Liên, nhắc con cháu nhớ về kỷ niệm, về NSND Ngô Y Linh để biết về gian lao chiến tranh, không phải qua sách vở mà qua những gì thiết thực nhất.

Vĩnh An

Tin cùng chuyên mục