Đừng thờ ơ việc quản lý người bệnh tâm thần

* Theo tin từ Công an tỉnh Hải Dương và gia đình,

LTS: Qua vụ Phạm Duy Quý mắc bệnh tâm thần phân liệt, ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) vừa giết chết 4 người thân, nhiều bạn đọc đã lo lắng lên tiếng về việc cần quan tâm quản lý người bệnh tâm thần để bảo đảm an ninh trật tự cộng đồng, không tiếp tục xảy ra những án mạng đau lòng như vậy.

* VĂN THY HOÀNG (Phòng GD-ĐT Hội An, Quảng Nam): Ngăn ngừa những hiểm họa

Liên tiếp trong những ngày gần đây đã xảy ra những vụ án mạng do những người có tiền sử bệnh tâm thần gây ra: Ngày 10-7-2014, Lê Quang Lập (ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã dùng búa và mỏ lết giết mẹ ruột và bà ngoại. Ngày 27-7-2014, Hoàng Văn Thanh (ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã giết chết mẹ ruột và vợ. Và mới đây là vụ án chấn động dư luận, Phạm Duy Quý chém chết bà ngoại, cha, mẹ và chị họ.

Hiện nay thỉnh thoảng đi ra đường phố chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người tâm thần đi lang thang với nhiều bộ dạng khác nhau. Thật nguy hiểm khi người bệnh tâm thần có những hành vi gây cản trở giao thông; đánh, ném đá, quát tháo… khiến nhiều người xung quanh phải dè chừng, khiếp sợ. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông, vụ án mạng đau lòng, nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là do người tâm thần gây ra cho những người trong cộng đồng dân cư thậm chí là những người thân trong gia đình.

Theo khảo sát của Bộ Y tế, số người mắc 10 bệnh tâm thần thường gặp (trầm cảm, sa sút trí tuệ…) ở Việt Nam chiếm khoảng 15% dân số. Riêng với bệnh nặng là tâm thần phân liệt, hiện có khoảng 300.000 ca cần được điều trị. Tuy nhiên, mới chỉ có 15% - 20% số bệnh nhân tâm thần được chăm sóc, quản lý.

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bệnh tâm thần chưa có điều kiện chăm sóc, quản lý là do nhiều tỉnh, thành phố vẫn thiếu cán bộ chuyên ngành tâm thần, chưa có trung tâm chăm sóc người bệnh... Đa phần việc giám sát hành vi của người tâm thần ngoài xã hội chỉ trông vào gia đình người bệnh. Về mặt tâm lý, cộng đồng xã hội thường hay tránh xa những người có biểu hiện tâm thần nặng ăn mặc bẩn thỉu, rách nát đi lang thang, nhặt ăn bất cứ thứ gì họ thấy trên đường, còn những trường hợp những người bị tâm thần dạng nhẹ thì ít khi đề phòng.

Song có không ít người bệnh tâm thần phân liệt có biểu hiện bên ngoài không rõ, nhưng lúc lên cơn hoặc bị tác động bởi những hoang tưởng ảo giác chi phối, dễ thực hiện hành vi phạm pháp, gây án. Vì vậy đa phần các vụ án do người tâm thần gây ra đều ở đối tượng này.

Để giải quyết vấn đề người tâm thần sống trong cộng đồng gây án, đòi hỏi vai trò quan trọng từ sự quản lý của gia đình cùng bộ phận y tế cơ sở, chính quyền địa phương. Bởi theo nguyên tắc khi trên địa bàn dân cư hoặc gia đình báo cáo có người nhà bị bệnh tâm thần thì trạm y tế xã, phường, chính quyền cơ sở phải tổ chức những đợt kiểm tra nhằm đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cấp thuốc cho họ nếu họ trong diện điều trị ngoại trú, nếu bệnh nhân quá nặng thì phải chuyển lên cơ sở y tế cao hơn để đưa ra biện pháp xử lý.

Song hiện nay một phần do năng lực, phương tiện của đội ngũ y tế cơ sở chưa đồng đều nên hầu như rất ít nơi có được biện pháp tốt nhất để phòng ngừa có hiệu quả tình trạng người tâm thần gây mất trật tự an toàn xã hội.

Chính vì vậy, để vừa đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo cũng như đảm bảo ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật do người tâm thần gây ra, đòi hỏi các ngành chức năng cần chung tay phối hợp chặt chẽ từ gia đình, chính quyền địa phương, các cơ sở y tế nhằm quản lý và điều trị tốt người bệnh tâm thần, hạn chế thấp nhất các hiểm họa do người bệnh tâm thần gây ra.

* NGUYỄN THỊ THANH HỒNG (quận 10, TPHCM): Có gây tai họa thì mới được chữa trị?

Lâu nay, dư luận đã nhiều lần lo lắng lên tiếng cảnh báo “những cái chết được báo trước” khi để người bệnh tâm thần sống trong khu dân cư. Thế nhưng vấn nạn này lại chưa có giải pháp quản lý, ngăn ngừa hiệu quả, nhiều người tâm thần không được đưa đi điều trị bệnh.

Nguyên nhân trước tiên là do sự thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền. Theo quy định, Sở LĐTB-XH và UBND cấp xã phường phải có trách nhiệm đưa người bệnh tâm thần đi chữa trị. Nhưng thực tế khi người tâm thần trong khu phố la hét, gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác, đốt nhà…, người dân phản ánh thì công an cũng không có biện pháp gì, vẫn giao cho gia đình quản lý mặc dù gia đình quản lý không xuể rồi! Không thể nói rằng công an không có trách nhiệm đối với hiểm họa từ người bệnh tâm thần, bởi bảo vệ an ninh trật tự xã hội chính là trách nhiệm của lực lượng công an.

Còn người dân phản ánh với UBND phường và Phòng LĐTB-XH, đề nghị đưa đi điều trị tập trung bắt buộc đối với người bệnh tâm thần có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng thì được trả lời là chỉ tiếp nhận khi có đợt tiếp nhận và có sự phối hợp của nhiều ngành!

Nguyên nhân thứ hai là muốn đưa người bệnh tâm thần đi tập trung điều trị thì phải có tiền. Theo quy định, những người tâm thần được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở LĐTB-XH để điều trị bệnh tâm thần miễn phí phải là người không còn thân nhân, không nơi nương tựa. Trong khi đó, những người tâm thần không còn thân nhân, không nơi nương tựa thì thường là người đi lang thang, không thuộc đơn vị hành chính nào, nên chẳng ai có trách nhiệm đưa họ vào trung tâm chữa trị.

Những người tâm thần có thân nhân nhưng nghèo thì cũng không có khả năng chữa trị. Bởi muốn chữa trị, các cơ sở trị bệnh đòi hỏi gia đình phải có người chăm sóc, phải tự lo chuyện ăn uống (chỉ được miễn phí tiền thuốc và giường nằm).

Do các quy định thiếu tính khả thi, thiếu tính nhân đạo đã khiến nhiều bệnh nhân tâm thần, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh không khá giả không được điều trị tập trung, vẫn sống trong cộng đồng, chịu sự đối xử xa lánh của xã hội.

Đã vậy, theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (mà chỉ bắt buộc chữa bệnh). Có nghĩa có gây ra tai họa thì mới được chữa trị, nếu gia đình không có khả năng kinh tế thì không thể điều trị, càng làm cho hàng xóm lo lắng hơn.

Thiết nghĩ, ngành y tế nên xem xét điều trị bệnh miễn phí toàn bộ cho người tâm thần.

* Theo tin từ Công an tỉnh Hải Dương và gia đình, chiều tối 4-8, Phạm Duy Quý, sinh năm 1993, hung thủ gây ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến 4 người trong gia đình thiệt mạng tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, Hải Dương đã chết. Ngay sau khi gây án, Quý đã đến cơ quan công an đầu thú. Qua điều tra, cơ quan công an xác định, Quý có dấu hiệu bị tâm thần, đã từng được gia đình đưa đi chữa trị nhưng không có bệnh án. Trước khi gây án, Quý có biểu hiện trầm cảm và nghiện chơi điện tử với thời gian từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày. Theo thông tin ban đầu, nhiều khả năng Phạm Duy Quý chết do tự sát. Hiện lực lượng công an đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân cái chết của Quý.

Tin cùng chuyên mục