Đừng thờ ơ với bảo hiểm y tế

Chủ quan nghĩ mình luôn khỏe
Đừng thờ ơ với bảo hiểm y tế

Người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ không phải mất nhiều chi phí khi khám và chữa bệnh. Thế nhưng, đến nay vẫn còn nhiều người dân không mua BHYT, vì tiếc tiền hoặc vì thu nhập không đủ sống. Những người không mua BHYT sẽ phải tốn rất nhiều tiền khi chữa bệnh, nhiều trường hợp gặp khốn đốn vì nợ nần.

Người dân đến phường mua bảo hiểm y tế tự nguyện.

Người dân đến phường mua bảo hiểm y tế tự nguyện.

Chủ quan nghĩ mình luôn khỏe

Chủ quan tưởng mình có sức khỏe rất tốt nên nhiều người đã không mua BHYT, nhưng đến khi đột ngột bệnh nặng, họ phải nằm viện điều trị tốn rất nhiều tiền. Nhiều trường hợp gia đình không đủ tiền chi trả, phải chạy đôn chạy đáo hỏi vay mượn tiền để thanh toán viện phí.

Chị Lưu Thanh Thủy (ngụ ở quận Bình Tân, TPHCM) kể: “Chỉ vì em tôi tiếc số tiền mua BHYT tự nguyện không bao nhiêu, mà vừa rồi gia đình đã phải trả số tiền rất lớn chi phí điều trị cho em tôi. Lâu nay em tôi không mua BHYT, nó bảo mua chi tốn tiền, với lại sức khỏe rất tốt, đi làm thuê vất vả mà chỉ thỉnh thoảng cảm cúm lặt vặt nên ra nhà thuốc mua vài viên thuốc uống khỏe rồi lại tiếp tục đi làm, cần gì BHYT. Nhưng rồi lần này, nó uống thuốc hoài mà bệnh càng nặng thêm, vào bệnh viện mới biết bị truyền nhiễm. Do không có BHYT nên từ kim tiêm, thuốc, dịch truyền… đều phải mua. Gia đình phải chạy vay mượn từ bạn bè, ông chủ, họ hàng… vậy mà cũng không đủ tiền trả tạm ứng cho bệnh viện. Đến khi em tôi khỏi bệnh thì gia đình phải mắc nợ cả trăm triệu đồng, không biết bao giờ mới trả hết”.

Trường hợp em chị Thủy vẫn còn đỡ, có người nằm viện điều trị không khỏi, chết rồi còn để lại gánh nặng nợ nần cho gia đình. Mới đây là trường hợp bệnh nhân L.B.Đ. bị sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Điều trị chỉ mới vài ngày, gia đình bệnh nhân đã phải đóng tạm ứng gần 40 triệu đồng. Do bệnh quá nặng, biến chứng nhanh, bệnh nhân đã không qua khỏi, còn người nhà vẫn phải chạy vạy kiếm tiền để trả nợ. Một lãnh đạo Khoa cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc người lớn của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết: “Nhiều trường hợp vào cấp cứu không có BHYT nên đã phải chi trả rất nhiều khoản tiền, lên đến vài chục triệu đồng. Có bệnh nhân khi điều trị xong vẫn còn phải nợ tiền ứng. Phần lớn những người không mua BHYT là thanh niên, do chủ quan mình có sức khỏe tốt, sẽ không bệnh tật. Nhưng bệnh thì đột ngột, không thể lường trước được”.

Thủ tục mua BHYT đã đơn giản

Anh Phan Bá Tân (tạm trú tại quận Tân Phú, TPHCM) không có việc làm ổn định, chỉ làm thời vụ nên không có BHYT. Là người biết lo xa nên anh Tân đã mua BHYT tự nguyện để phòng khi phải nằm viện. Anh Tân cho biết: “Một lần, người bạn của tôi bị bệnh nặng, do anh ấy không có BHYT nên gia đình lâm vào cảnh khốn khó vì phải tốn rất nhiều tiền để điều trị. Chứng kiến tình cảnh đó, tôi đã dặn người nhà đều phải mua BHYT tự nguyện”. Được biết, hiện nay việc mua BHYT tự nguyện tại các phường - xã đã rất đơn giản. Riêng tại TPHCM, nơi có rất nhiều người nhập cư, chỉ cần có giấy xác nhận tạm trú tại nơi cư ngụ là có thể đến phường - xã mua BHYT tự nguyện. Một hộ mua nhiều thẻ BHYT trong một năm còn được giảm tiền cho thẻ kế tiếp.

Ông Lê Thành Nhân, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Bình Tân (một quận làm tốt việc vận động người dân mua BHYT tự nguyện), chia sẻ kinh nghiệm vận động: “Bảo hiểm xã hội quận đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ… cùng triển khai vận động người dân mua BHYT tự nguyện. Trong đợt đầu vận động, quận chọn 2 phường có nhiều người dân nhập cư, để vận động mua BHYT tự nguyện, rồi sau đó tiến hành nhân rộng. Chúng tôi cũng quan tâm tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ cho điểm bán BHYT tự nguyện, phát hành tài liệu tuyên truyền tại các khu dân cư về quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT tự nguyện. Năm 2009, số người mua BHYT tự nguyện trong quận chỉ 14.027 người, nay đã tăng lên 126.176 người.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục