Đường 9 vào mùa… buôn lậu

Đường 9 vào mùa… buôn lậu

Mùa mưa, thị trấn Khe Sanh mưa tầm tã và sa mù dày đặc bao phủ. Đi qua Khe Sanh, xe cộ bật đèn như qua đèo Hải Vân. Đường 9 - Khe Sanh những tháng gần Tết đang là đất dụng võ của các “tay đua” Minks và hàng chục xe khách cõng hàng lậu lao đi giữa sa mù. Người dân Hướng Hóa (Quảng Trị) rỉ tai nhau: “Mùa buôn lậu” xe cộ chạy trên Đường 9 như… ngựa hoang.

  • Từ Khe Sanh...

Khe Sanh cách cửa khẩu quốc tế Lao Bảo khoảng 20km và được coi là cửa ngõ của Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo. Chẳng cần phải đi đến km 0 để xem hàng Thái, cũng chẳng cần hoài công đến cổng cửa khẩu để tìm hàng lậu, người ta có thể quan sát và hình dung ra tất cả ngay tại thị trấn Khe Sanh.

Đường 9 vào mùa… buôn lậu ảnh 1

Dân cửu vạn hàng lậu đa phần là phụ nữ.

Nói khác đi, Khe Sanh như “cặp nhiệt độ” của Đường 9. Hàng lậu có mặt khắp nơi, từ bến xe, nhà dân xung quanh khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và dọc Đường 9 qua địa bàn các xã Tân Long, Tân Thành, Tân Liên, Tân Hợp… bằng mọi cách, mọi đường vượt rào cổng B, rồi tập kết cũng là Đường 9 và Bản Cát trước khi tràn về đồng bằng.

Trong đó, đoạn từ cổng B (trạm kiểm soát sau cửa khẩu Lao Bảo) đến Bản Cát, xã Đakrông, huyện Đakrông (vùng giáp ranh cổng B) chỉ hơn 1 cây số đã trở thành “bãi đáp” hàng lậu một cách công khai. Có điều oái oăm là bãi tập kết hàng và nhận hàng lậu chỉ cách Đội Kiểm soát Hải quan, thuộc Cục Hải quan Quảng Trị chưa đầy 50m! Nhìn cảnh ấy, nhiều người nói đùa: “Bọn này gớm thật. Dám vuốt râu hùm!”.

Chúng tôi đã tiếp cận dân cửu vạn, kỳ thực, họ coi khách lạ như… cây rừng; chẳng ai thèm biết chúng tôi ngắm nghía họ để làm gì. Vận chuyển hàng lậu trên các đường tiểu ngạch đa phần là phụ nữ, mỗi tốp từ 3 đến 5 người, vẻ mặt khổ sở, tay xách nách mang trông như những “đống hàng” dị hình di động.

Trong số họ, không ít người một thời là chủ hàng kém may mắn bị vỡ nợ, buộc phải làm cửu vạn cho đầu nậu khác với giá 15.000 đồng/chuyến, mỗi ngày đi được 3-4 chuyến. Chị Ph. ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, thập thò bên vệ đường cùng với 5 chị “cua rạm” (từ dùng để chỉ dân cửu vạn hàng lậu) đang chờ xe đón hàng kể: “Dân gần cổng B đều đi “cua rạm” như tui. Chủ hàng tốn thêm tiền gùi cõng thì chắc ăn hơn, còn chở tuốt qua trạm thì một quen hai liều!”. Những xe khách trên 50 chỗ ngồi bị bắt tại cổng B với số hàng lậu đủ cho xe tải chở rõ là “liều”. Vậy phải có xe quen trót lọt?

Chị Ph. phẩy tay nóng nảy: “Chú hỏi nhiều quá. Trước lạ, sau quen. Ối! đi đi cho tụi tui nhờ. Họ dòm ra kìa!” Cách chỗ tôi đứng một tầm nhìn, quả có mấy cán bộ Đội kiểm soát Hải quan đang nhìn…

  • Đến Đông Hà

Mỗi ngày, Bến xe Đông Hà cho xuất bến gần 40 xe 12 chỗ ngồi, 54 chỗ ngồi để phục vụ hành khách tuyến Đông Hà - Lao Bảo. Bác B. làm nghề xe thồ 3 năm nay, chạy lui tới giữa bến xe và chợ Đông Hà, khi biết tôi muốn thuê, bác hỏi thẳng: “Chú buôn Lao Bảo à?” - “Dạ, không. Đi chơi”. “Đi xe máy hơn không! Toàn buôn. Đi về nhìn chi biết nấy, đừng nói chi vẫn hơn!”, bác B. nói.

Hàng lậu “mùa buôn lậu” đã nhấn “hết ga” xe vận chuyển hành khách tuyến Đông Hà - Lao Bảo hàng ngày, chưa kể các đoàn xe chở thạch cao, gỗ Lào quá khổ quá tải cũng kèm hàng lậu, người ta có thể dễ dàng hình dung cơn sốt hàng lậu trên Đường 9. Tuy nhiên, cái rốn hàng lậu là Đông Hà chứ không phải Đường 9.

Hiện tại, có không ít con đường nội thị Đông Hà đã trở thành trục đường chở hàng lậu vào những kho hàng của các trùm đầu nậu. Dĩ nhiên, người dân Đông Hà cũng như khách thập phương ghé Đông Hà không thể mua hết số hàng lậu đó. Các tuyến Đông Hà đi Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM lại phải “hạ nhiệt” cho Đông Hà. Thế mà, Đông Hà lại bị lợi dụng, trở thành nơi chứa hàng… nhái hàng lậu!

Bà Th. chuyên đóng gói hàng lậu đi nơi khác 10 năm nay méo mặt kể: “Tui còn bị vấp. Bây giờ giữa chợ toàn là rượu nhái. 1 chai Gold Label nhái cũng có giá 390.000 như chai xịn. Tui bị lừa 1 két. Dở khóc dở cười”. Thị trường rượu lậu bày bán khắp Đông Hà giờ đây toàn dán tem nhập khẩu… giả. Cô T. có quầy rượu tại chợ Đông Hà nói: “Tem thiếu chi! Nhưng rượu thiệt. Khi nào họ đi kiểm tra thì dán”.

  • Có chống được buôn lậu?

Cách đây 3 tháng, trước tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu ở Quảng Trị, đặc biệt buôn lậu trên Đường 9 ngày càng phức tạp, đoàn công tác đặc biệt của Trung ương do Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ làm trưởng đoàn đã đến Quảng Trị kiểm tra công tác chống buôn lậu.

Tiếp đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi các ngành chức năng về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác chống buôn lậu, nhưng buôn lậu vẫn không thuyên giảm. Chỉ riêng Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan Quảng Trị, từ đầu năm đến nay đã bắt giữ và xử phạt hành chính trên 390 vụ với số tiền gần 4,4 tỷ đồng.

Trong đó, không ít xe khách chở hàng lậu trị giá 60 triệu đồng/vụ. Con số này nếu so với số lượng xe trên tuyến Đông Hà- Lao Bảo thì có thể dễ dàng nhận thấy số vụ việc bị phát hiện cùng với số tiền phạt vi phạm là quá nhỏ. Rõ ràng việc chống buôn lậu ở Quảng Trị không thể hành xử theo công vụ. Phải quyết liệt hơn ở các cấp chính quyền và chức năng. 

LÊ MINH THẮNG

Tin cùng chuyên mục