Đường chiến lược 21

Đường chiến lược 21

Đầu năm 1965, Mỹ chuyển hướng leo thang đánh phá ác liệt ra miền Bắc nước ta. Để có thể vừa đảm bảo chi viện kịp thời vũ khí đạn dược, lương thực cho chiến trường miền Nam vừa để “chia lửa” sự đánh phá khốc liệt của không lực Hoa Kỳ dội xuống các căn cứ trọng điểm trên tuyến đường 15A, Trung ương quyết định mở thêm tuyến đường chiến lược 21 ngay giữa đại ngàn của tỉnh Hà Tĩnh.

Tuyến đường chiến lược 21 chạy song song với trục đường 15A, có điểm bắt đầu từ tỉnh lộ 3, Km số 0 ở ngã ba Khe Giao, thuộc địa phận xã Thạch Ngọc (nay là xã Ngọc Sơn) huyện Thạch Hà đến Km số 18+600 ngã ba Thình Thình, thuộc địa bàn xã Thạch Điền, sau đó tiếp tục đi xuyên đường Trường Sơn bám hữu ngạn sông Ngàn Sâu vào đến tận Tân Ấp, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình với tổng chiều dài hơn 54km, mặt đường rộng 4 - 5m. Toàn tuyến có khoảng 10 đèo lớn, điểm có độ dốc cao và nguy hiểm nhất là đèo 3 tại Km số 20 và đèo 7 tại Km số 35, ngoài ra còn có hàng chục khe, ngầm, lèn nước lớn cắt ngang đường.

Đường chiến lược 21 ảnh 1

Các cựu TNXP thuộc Đội N53-P18 Hà Tĩnh trở lại thăm tuyến đường chiến lược 21. Nơi đây, từ năm 1965 họ đã trực tiếp tham gia mở và bảo vệ tuyến đường huyết mạch chi viện vào chiến trường miền Nam

Theo ông Võ Tá Lý, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh (nguyên Đội phó Thường trực đội N53-P18 TNXP Hà Tĩnh, đơn vị trực tiếp mở và bảo vệ tuyến đường 21 năm xưa), đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ giao thông vận tải, bộ đội công binh, đặc biệt lực lượng TNXP từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An… được điều động làm nhiệm vụ mở tuyến đường này. Vào cuối năm 1966, tuyến đường hoàn thành và hòa nhập vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Ngay khi ra đời, tuyến đường chiến lược 21 đã bị đưa vào tầm ngắm của không lực Hoa Kỳ. Hàng ngày có đến hàng ngàn quả bom bi, bom tấn, bom từ trường của Mỹ liên tiếp rải xuống băm nát con đường. Trên tuyến đường chiến lược 21, nhiều trọng điểm đã đi vào lịch sử như ngã ba Thình Thình (thuộc địa phận xã Thạch Điền), là điểm giao nhau giữa 2 tuyến đường chiến lược 21 và 22, ngầm Rào Bội, Rào Mát, Lán Mây, đèo 3, đèo 7…

Sau ngày đất nước thống nhất, tuyến đường chiến lược 21 trở thành đường cấp phối nằm trong nội vùng Ban quản lý rừng phòng hộ thiên nhiên Kẻ Gỗ. Dường như nó đã bị lãng quên, nhiều hầm, hào trú ẩn, giếng nước sinh hoạt, địa điểm hy sinh của bộ đội, TNXP… cũng đang dần dần mai một theo thời gian.

Theo ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh (nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội A1-C534-N53-P18 TNXP Hà Tĩnh, tiểu đội đã trực tiếp bảo vệ 24/24 giờ tại “tọa độ chết” ngã ba Thình Thình) và ông Đào Văn Tinh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh, nguyện vọng lớn nhất mà các thế hệ cựu TNXP đau đáu suốt mấy chục năm qua là xây dựng tại ngã ba Thình Thình một tấm bia dẫn tích hoặc một ngôi đền, miếu tưởng niệm vừa để ghi lại những sự kiện, mốc son lịch sử oanh liệt của con đường, vừa để tưởng nhớ công ơn những anh hùng, liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại tại đường 21. Thế nhưng, đến nay nguyện vọng ấy vẫn chưa trở thành hiện thực...

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục