Đường dài tính chuyện “đầu tiên”

Phim điện ảnh tết tiếp tục là một trong những đề tài được quan tâm hàng đầu trên các diễn đàn trực tuyến những ngày qua. Việc một bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ đồng chỉ trong vài ngày ra rạp đang gây ra nhiều tranh luận về mặt nghệ thuật, nội dung, thậm chí cả những chiêu trò kinh doanh, nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận, số tiền khổng lồ đó chính là dấu hiệu tích cực cho thấy một nền công nghiệp văn hóa đang trên đà phát triển, trước mắt là công nghiệp điện ảnh.

Việc tranh luận của khán giả sau khi thưởng thức một sản phẩm văn hóa là điều bình thường, thậm chí là cần thiết, phản ảnh sự quan tâm của dư luận. Khán giả luôn có quyền thắc mắc hay nhìn nhận từ góc độ cá nhân. Không riêng gì điện ảnh, việc đón nhận một tác phẩm nghệ thuật - văn hóa hay chỉ giải trí đơn thuần luôn có những chiều ý kiến khen chê ngược nhau.

Còn với những nhà sản xuất, khoan bàn đến nội dung hay chất lượng nghệ thuật, doanh thu khủng do tác phẩm đem lại đã là một thành công lớn. Bởi đường dài muốn có phim hay, phải có vốn đầu tư, mà vấn đề cần giải quyết “đầu tiên” chính là... tiền đâu? Hay nói một câu đơn giản hơn “có thực mới vực được đạo”, khi để đi đường dài, phải có vốn trong tay. Đó là thực tế. Một bối cảnh nhỏ, đạo cụ đơn giản nhất cũng cần được đầu tư chỉn chu, thì mỗi khung hình lên màn ảnh rộng mới có thể đủ chất điện ảnh để chinh phục khán giả. Nhân lực cũng vậy, tài năng của người nghệ sĩ khi được trả công xứng đáng sẽ càng có cơ hội thăng hoa, tỏa sáng.

Thành công về doanh thu của một sản phẩm nghệ thuật, nhất là những lĩnh vực mang tính giải trí cao như âm nhạc, điện ảnh, cũng không thể không kể đến công nghệ lăng xê phát triển vượt bậc hiện nay. Con số thực sự chi cho việc lăng xê ở Việt Nam thường được giữ kín nhưng trong một lần vô tình, một nhà sản xuất lớn đã tiết lộ một bộ phim chi phí sản xuất 20 tỷ đồng phải thu về trên 40 tỷ đồng (sau khi đã trừ các chi phí phát hành) mới có lời. Số chênh lệch ở giữa chính là dành cho công tác truyền thông, lăng xê. Điều này cũng khá tương đồng với thế giới khi một bộ phim của hãng Disney thường có phí truyền thông chiếm khoảng 1/3 tổng chi. Có thể thấy, công nghệ lăng xê là một trong những yếu tố quan trọng để đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Bởi trước khi tác phẩm/sản phẩm ra mắt khán giả, nếu chỉ truyền thông nhạt nhòa theo kiểu cũ, có lẽ còn rất lâu mới chạm đến giấc mơ trăm tỷ.

Tại các hội thảo về phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia nước ngoài đều chung nhận định, công nghiệp văn hóa của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, chỉ mới bắt đầu và đang ở mức... “tiểu thủ công nghiệp”. Tuy nhiên, nếu nhìn ở mức độ thay đổi, chuyển mình thì nền công nghiệp văn hóa Việt Nam lại có rất nhiều tín hiệu lạc quan, đáng mừng. Điển hình như nhiều chương trình âm nhạc trong nước đã đem lại doanh thu khiến người ta không khỏi ngạc nhiên, và kèm theo đó là thu hút đáng kể một lượng du khách quốc tế cho những chương trình có nghệ sĩ nổi tiếng từ nước ngoài. Điện ảnh cũng vậy, dù vẫn còn quá ít những tác phẩm trăm tỷ nhưng mức độ xuất hiện và tốc độ đạt mức trăm tỷ đang ngày càng nhiều, càng nhanh. Thậm chí, người ta bắt đầu đặt ra mốc mới “ngàn tỷ”, một cái mức trước đây được xem là ảo tưởng thì bây giờ đã có những bộ phim đi được nửa đường.

Công nghiệp văn hóa có nhiều góc độ, muốn phát triển nhanh, chúng ta phải theo từng giai đoạn, mà trước hết là có được doanh thu tốt. Tự thân mang lại lợi nhuận để bù đắp kinh phí sản xuất, thì mới có thể duy trì đường dài, vì nguồn đầu tư từ xã hội hóa hay nguồn đầu tư công đều có giới hạn. Đợt nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, chúng ta từng trầm trồ trước tác phẩm điện ảnh của Hàn Quốc về Đô đốc Yi Sun Sin (Lý Thuấn Thần), một danh tướng trong lịch sử Triều Tiên. Chúng ta từng ước mơ có những tác phẩm như vậy về các nhân vật lịch sử của dân tộc. Thế nhưng, phim lịch sử luôn là dòng phim tốn kém nhất, trước nay chủ yếu là Nhà nước đặt hàng, còn các đơn vị sản xuất tư nhân hầu như chưa ai đủ sức để có thể đầu tư một cách chỉn chu dòng phim này. Tuy nhiên, khi các nhà sản xuất trong nước có thể làm ra những bộ phim trăm tỷ, ngàn tỷ, giấc mơ phim sử Việt thật sự hoành tráng, hấp dẫn sẽ không còn xa.

Dĩ nhiên, vẫn còn đó tranh luận về phim thị trường và phim nghệ thuật. Và ngay cả tranh cãi này cũng cho thấy nền công nghiệp văn hóa trong nước bắt đầu tiếp cận thế giới, bởi đây cũng là mâu thuẫn chung của điện ảnh toàn cầu. Có mấy bộ phim tỷ đô nhưng lại được đánh giá cao về nghệ thuật? Hay ngược lại, có không ít phim xuất sắc về nghệ thuật nhưng lại kén người xem. Và những tác phẩm có thể đáp ứng cả hai yếu tố, doanh thu lớn và tính nghệ thuật cao, đều được xem là kinh điển. Chúng ta cũng có quyền hy vọng đến một lúc nào đó sẽ có những bộ phim Việt đạt được cả hai yếu tố, vừa thuyết phục về tính nghệ thuật, học thuật đỉnh cao vừa mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn, lúc đó công nghiệp văn hóa là câu chuyện đã phát triển, chứ không còn trăn trở tính toán từng bước đi định hình.

Tin cùng chuyên mục