
Lần đầu tiên trong lịch sử, đặc công – lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội nhân dân Việt Nam - được huy động tham gia đông đảo nhất vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, mở đường cho đại quân giải phóng Sài Gòn.
- Bất ngờ ba mũi giáp công

Chiếc xe tăng đầu tiên (xe 390) của quân giải phóng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975.
Ngày 1-4-1975, tôi nhận quyết định của Bộ chỉ huy Miền (R) giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng cánh Đông của lực lượng đặc công miền. Nhiệm vụ: bằng mọi giá phải chiếm giữ được 14 cầu và 6 căn cứ lớn của địch án ngữ cửa ngõ Sài Gòn, Vũng Tàu; đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất, một số mục tiêu nội đô… để các binh đoàn chủ lực tiến vào Sài Gòn.
Ngày 8-4-1975, nhiệm vụ cụ thể được giao cho từng đơn vị. Trung đoàn 113 (E113) phối hợp Quân đoàn 4 đánh chiếm sân bay Biên Hoà, Bộ Tư lệnh quân đoàn 3 của ngụy và giữ các cầu khu vực Cù lao Phố. Trung đoàn 116 (E116) phối hợp với Quân đoàn 2 đánh chiếm cầu Đồng Nai. Trung đoàn 10 (E10, đặc công rừng Sác) đánh chiếm Tổng kho Xăng Nhà Bè…
Đúng 16 giờ ngày 26-4-1975, Quân đoàn 2 nổ súng đánh chiếm thị trấn Long Thành. Đây là trận hiệp đồng giữa binh chủng pháo binh xe tăng và bộ binh. Trong nửa giờ, thị trấn Long Thành chìm trong bão lửa. Ở các hướng khác, quân ta đều đồng loạt tấn công: E116 đánh chiếm xã Long Hưng, An Hoà và chiếm cảng Long Bình Tân ở phía Đông cầu Đồng Nai; mũi khác đột kích sân bay Biên Hòa.
Bị bất ngờ, từng đoàn trực thăng của địch cất cánh quần đảo trong rối loạn. Nhân cơ hội, Tiểu đoàn 19 đặc công thọc nhanh đánh chiếm phía đông đầu cầu Đồng Nai và tổ chức công sự để đánh chiếm căn cứ hải quân của địch. Mặc dù pháo địch từ Liên Trường (nơi đào tạo sĩ quan của ngụy, khu vực phường Tăng Nhơn Phú, quận 9 hiện nay) bắn phá dữ dội với ý định tử thủ để ngăn quân ta, nhưng cuối cùng yếu dần.
- Mở đường tiến về Sài Gòn
Chúng tôi nhận định: “Địch đang rối loạn tột độ về tinh thần lẫn tổ chức”. Vì vậy, khoảng 2 giờ sáng 30-4, đơn vị xe tăng (sử dụng các loại súng 12 ly 8 trở xuống) của Quân đoàn 2 từ Bến Gỗ tiếp tục nhả đạn về phía tổng kho Long Bình. Cùng lúc, Tiểu đoàn 25 và Tiểu đoàn 40 đặc công đánh thọc sâu vào tổng kho.
Khi xe tăng của ta đến ngã 3 Vũng Tàu thì bất ngờ pháo địch kích dữ dội, phải lui lại để lựa thế tấn công. Một tiếng sau, pháo địch im hẳn. Thay vào đó là tiếng xe chạy.
- Ở đây đồng chí nào là chỉ huy cao nhất? -Tôi hỏi.
- Có đồng chí Tài, Lữ trưởng xe tăng 203 của Quân đoàn.
Trên xe, ngoài đồng chí Tài còn có đồng chí Tám Sĩ (Võ Tấn Sĩ), Sáu Trực, là Trung đoàn trưởng và Chính ủy E116. Tôi hỏi: “Ý định của Quân đoàn thế nào?”. Tài nói: “Thần tốc tiến công, trong ngày nay phải đến Dinh Độc Lập…”. Tôi nói ngay: “Tôi trước kia là tình báo quân sự, nhiều năm sống ở Sài Gòn nên đường sá và các căn cứ địch đều biết rõ. Đồng chí yên tâm, tôi sẽ cho đặc công ngồi trên xe tăng tấn công ngay, nếu chậm sẽ mất thời cơ!”. Đồng chí Tám Sĩ bổ sung: “Trung đoàn tôi mạnh, có kinh nghiệm chiến đấu sâu trong hậu cứ địch và cũng quen lối đánh bộ binh”.
Đồng chí Tài suy nghĩ một hồi, cuối cùng đồng ý. Chúng tôi thống nhất để lại một tiểu đội đặc công thủy làm nhiệm vụ giữ cầu, đề phòng địch chống trả.
Đúng 6 giờ sáng 30-4-1975, ban chỉ huy lệnh cho xe tăng, đặc công vượt cầu. Từ Liên Trường, địch bất ngờ pháo kích khiến 8 chiến sĩ pháo cao xạ đi cùng xe tăng của ta hy sinh. Ngay lập tức, tôi hướng dẫn xe tăng bắn trả. Tiếng pháo địch yếu dần. 30 phút sau ta chiếm được căn cứ. Phía địch, một số tử trận, số khác chạy tán loạn về phía 6 xã đồng bưng.
- Những giờ phút lịch sử
9 giờ sáng 30-4, đoàn xe chúng tôi chờm đến cầu Rạch Chiếc – chốt cố thủ cuối cùng của địch. Đồng chí Trần Kim Thinh, Chỉ huy phó đơn vị đánh cầu Rạch Chiếc báo cáo: “Đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ giữ cầu, nhưng tổn thất không nhỏ!”.
Sau khi thua ta ở các mặt trận Phước Long, Buôn Ma Thuột, Long Khánh, địch dồn quân về đây phòng thủ, vì chúng cho rằng, nếu cầu Rạch Chiếc thất thủ, Bộ tư lệnh Hải quân và các đầu não khác tại Sài Gòn sẽ cũng chung số phận. Do vậy, 2 bên đầu cầu chúng bố trí dày đặc các lô cốt, hầm ngầm, công sự, hàng rào mìn và hệ thống đèn pha cực mạnh, luôn thường trực 420 lính Thủy quân lục chiến, chưa kể hệ thống phòng thủ vòng ngoài bằng một loạt máy bay, tàu chiến.
3 giờ sáng 27-4, các mũi quân xuất kích, tìm mọi cách thâm nhập bằng kỹ thuật đặc công. Tuy nhiên, ngày đầu tiên ta chỉ tiếp cận được hàng rào thứ nhất. Không còn thời gian, rạng sáng sáng 28-4, Ban chỉ huy trận đánh quyết định nổ súng. địch huy động tổng lực phản công. Ta vừa đánh, vừa phải lựa thế để đảm bảo an toàn cho cầu. 2 giờ sáng 30-4, tiếng súng thưa dần, địch chết ngổn ngang, kẻ sống sót hoảng loạn bỏ chạy. Ta chiếm giữ được cầu, nhưng 52 cán bộ chiến sĩ của ta đã hy sinh, nhiều người không còn cả xác.
…Đoàn xe chúng tôi tiếp tục tiến vào nội đô. Trước mặt, bất ngờ 2 chiếc máy bay A 37 từ căn cứ của địch lao đến đầu cầu Sài Gòn trút xuống 9 quả bom. Tuy nhiên, do chúng lúng túng, điểm rơi lại chệch về phía Thảo Điền, gần khu vực Tiểu đoàn 4 Thủ Đức trấn thủ sau khi chiếm giữ được cầu. Nhưng đó là những âm thanh vũ khí cuối cùng của địch.
Đoàn xe của chúng tôi qua cầu và thẳng tiến đến Dinh Độc Lập..
PHẠM TRƯỜNG ghi
(Theo lời kể của Đại tá Anh hùng LLVT Tống Viết Dương, Chỉ huy trưởng cánh Đông lực lượng đặc công)