Hàng năm, vào thời điểm cận tết, các hãng xe gắn máy lẫn cửa hàng kinh doanh được dịp hái ra tiền nhờ nhu cầu mua sắm tăng cao. Tuy nhiên, đến nay đã vào “mùa vàng” nhưng thị trường vẫn vắng bóng người mua, dù các hãng xe máy tung ra nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá…
Cách nay nhiều tháng, để sắm được “con chiến mã” vừa ý hoặc mới ra lò dạng như Airblade, PCX, Lead… nhiều người tiêu dùng phải đăng ký trước và chờ cả nửa năm hoặc phải chi một khoản tiền lại quả mới mua được. Còn hiện nay, người tiêu dùng được trả về đúng vị trí thượng đế, khi hàng loạt hãng xe bị tồn đọng sản lượng do ế ẩm.
“Chưa năm nào thị trường xe máy ế ẩm thế này. Chỉ còn khoảng tháng nữa đến tết, vậy mà cả tuần mới bán được vài chiếc, đã vậy, khách hàng còn chọn lui chọn tới, năn nỉ gãy lưỡi mới chịu mua”, nhân viên một cửa hàng xe gắn máy trên đường Nguyễn Tri Phương quận 5, TPHCM nói. Đó cũng là tình cảnh u ám chung của thị trường xe gắn máy vào thời điểm này.
Rẽ qua tuyến đường An Dương Vương khu vực kế bên, hàng chục cửa hàng xe gắn máy san sát nhau cả hai bên đường, chất ê hề đủ loại xe, từ dòng nội địa đến hàng nhập khẩu. Đáng chú ý, giá xe tại khu vực này bán giá khá “bèo” so với trước. Đơn cử, xe Honda Vision chỉ kêu giá 30 triệu đồng/chiếc, trong khi giá công bố ở mức 33 - 34 triệu đồng. Còn vào thời điểm mới “ra lò”, giá xe Vision có lúc bị đẩy tới gần 40 triệu đồng/chiếc. Tương tự, Airblade màu trắng chỉ dừng ở mức 35,3 triệu đồng/chiếc hoặc Lead là 34 triệu đồng/chiếc, thấp hơn mức đề xuất 35,5 triệu đồng của hãng; Honda PCX cũng hạ giá 55 triệu đồng/chiếc trong khi mức đề xuất của hãng là 58 triệu đồng. Những mẫu xe số như Future FI cũng giảm còn 29,2 triệu đồng so với giá niêm yết 30 triệu đồng.
Tại khu vực chuyên kinh doanh xe máy nhập khẩu cao cấp tại góc ngã tư Lý Tự Trọng - Cách Mạng Tháng Tám, quận 1 không khí cũng không sáng sủa hơn. Giá xe Honda SH đời 2011 có giá xấp xỉ 8.000 USD, Vespa LX có giá hơn 5.000 USD, nhưng khách hàng chỉ lèo tèo.
Theo giải thích của các chủ cửa hàng kinh doanh xe máy, nguyên nhân giảm giá là do nhà máy tăng sản lượng, trong khi doanh số bán hàng chậm nên các đại lý phải cân đối lại giá bán để đẩy nhanh hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành lại cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là tác động của khủng hoảng kinh tế khiến các hãng xe lao đao và các đại lý cũng phải thức thời để tồn tại.
Trên thực tế, hiện hãng xe máy Honda vẫn chiếm lĩnh trên dưới 70% thị phần trên thị trường. Nhưng gần đây, đặc biệt sau các vụ cháy xe, trong đó đa phần mang thương hiệu Honda khiến người tiêu dùng lưỡng lự chưa muốn mua xe.
Theo các chủ cửa hàng kinh doanh xe máy cũ tại ngã tư Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Kiệm quận Phú Nhuận, những ngày gần đây lượng khách đến bán các loại xe SH, Lead, Airblade… tăng đột biến. Anh Lê Văn Bình, chủ cửa hàng xe máy Bình Minh cho biết, nguyên nhân khiến nhiều khách hàng đổ xô bán các loại xe này là do tâm lý lo ngại sau thông tin các vụ cháy xe của Honda. Tuy nhiên, cũng có người đến bán xe cũ để chuyển qua sử dụng xe số nhằm giảm chi phí nhiên liệu và tiết kiệm.
Lạc Phong