
Khi El Salvador lên cơn sốt đào vàng ở thời điểm 10 năm trước thì Pacific Rim, một công ty khai thác mỏ của Canada ngay lập tức đã chen chân vào được khu vực này. Họ cam kết người dân không phải bận tâm về vấn đề môi trường với cách làm việc đầy trách nhiệm cũng như việc khai thác đảm bảo an toàn của họ. Vậy mà…

Anh Francisco Pineda không tin vào những lập luận của Pacific Rim. Ảnh: NYT
Nông dân nói có, nhà khai thác nói không
Nông dân ở gần khu mỏ mà công ty Pacific Rim khai thác nhờ vào nguồn nước của con sông Rio Lempa (dài 422km) để tưới tiêu đồng ruộng. Từ năm 2005, họ đồng loạt lên tiếng phản đối hoạt động khai thác của Pacific Rim vì cho rằng cách khai thác không hợp lý của công ty đã khiến nguồn nước tại đây dần cạn kiệt. Mâu thuẫn giữa nhà khai thác và người dân được đẩy lên cao khi cả hai đều đưa ra những mối đe dọa nguy hiểm với người của mình. Pacific Rim thì tuyên bố công nhân của họ bị đe dọa, trong khi người dân cho rằng nhiều người của họ đã mất tích hoặc bị giết chết. Tháng 6 vừa qua, thi thể của 1 nam sinh viên phát tờ bướm kêu gọi tẩy chay việc khai thác vàng đã được tìm thấy sau thời gian dài được xác nhận mất tích. Hiện việc điều tra vẫn đang được tiến hành, chưa có kết luận chính thức.
Giám đốc điều hành của Pacific Rim, ông Tom Shrake, khẳng định công ty đã dùng mọi biện pháp để bảo vệ môi trường. Theo ông Shrake, không một mỏ khai thác vàng nào ở Bắc Mỹ có được tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cao như ở El Salvador. Đại diện Pacific Rim đưa ra lập luận: Lượng nước phục vụ cho việc khai thác chủ yếu là lượng nước mưa, không ảnh hưởng gì đến nguồn nước lấy trực tiếp từ sông Rio Lempa. Tuy nhiên, lập luận này được nhiều chuyên gia cho là vô lý và không thuyết phục.
Vàng được khai thác ở tầng đất sâu hơn bất kỳ kim loại nào khác. Điều đó có nghĩa là phải đào rất nhiều hầm mở rộng. Để có lời, người ta phải tìm cách khai thác dễ nhất và rẻ nhất, và điều đó cũng có nghĩa là dùng cyanua. Thứ hóa chất độc hại này cùng với những thứ phế thải khác từ hoạt động khai thác vàng đang đặt ra những vấn đề nặng nề về môi trường và xã hội tại hàng loạt mỏ vàng ở Tây Mỹ, Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu. Một số mỏ vàng đã trở nên nguy hiểm tương đương với rác thải hạt nhân.
Khi hiện diện trên những khu vực mới, các công ty khai thác luôn cố gắng thuyết phục chính quyền bản địa rằng họ đang mang đến những công việc tốt, các quy tắc môi trường chặt chẽ và các công nghệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên, các tổ chức môi trường cho rằng các công ty đang khai thác theo những phương cách đang bị cấm ngặt ở những nước giàu. Họ đổ hàng tấn chất thải xuống các con sông, vịnh và biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân, nhất là những người sống gần các khu mỏ.
Kiện... ngược
Pacific Rim hiện đang yêu cầu Chính phủ El Salvador cấp phép cho họ xây một đường ống lọc các chất độc hại có giá lên đến hàng trăm triệu USD. Đây được cho là một trong những biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường.
Từ những nguyên nhân trên cùng với thái độ phản đối của người dân, Chính phủ El Salvador đang đối mặt với “vụ kiện ngược” khi Pacific Rim kiện quốc gia này lên một tòa án về đầu tư quốc tế vì không cho phép họ xây dựng đường ống trên, dẫn đến thiệt hại cho khoản đầu tư ban đầu. Số tiền mà Chính phủ El Salvador có thể phải bồi thường nếu thua trong vụ kiện lên đến 77 triệu USD, quá lớn đối với một quốc gia nghèo. Vụ kiện này được đưa ra Tòa án Ngân hàng thế giới (WB) ở Washington. Đây cũng là vụ đầu tiên dựa trên Hiệp định Tự do thương mại Trung Mỹ được thông qua năm 2005. Các quan chức El Salvador cho rằng đây là cách tấn công thô bạo vào chủ quyền của một quốc gia. Luật sư Marcos Orellana (thuộc Trung tâm Luật Môi trường quốc tế ở Washington), người gửi hồ sơ ủng hộ El Salvador trong vụ kiện này cho rằng Pacific Rim đã dùng tòa án để đối phó với chính sách môi trường của El Salvador.
Kiểu “kiện ngược” này được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực khai thác mỏ, khí đốt và dầu lửa thực hiện, dựa trên cơ sở pháp lý là các hiệp định thương mại ký kết giữa các quốc gia để tìm khoản bồi thường từ hầu hết các quốc gia đang phát triển. Pacific Rim đã dẫn ra một án lệ xảy ra ở Mexico năm 2002. Khi ấy, Công ty khai thác mỏ Metalcla (California, Mỹ) dựa vào Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ đã thắng kiện, giành được khoản bồi thường 15,6 triệu USD từ Chính phủ Mexico vì chính quyền địa phương đã gây nhiều cản trở cho những nỗ lực của Metalcla nhằm xây dựng các nhà máy xử lý chất độc hại tại đây. Trước đó, dù Metalcla đã đưa ra nhiều cam kết sẽ thực hiện tất cả những biện pháp có thể, đồng thời nhận được lời hứa ban đầu từ Chính phủ Mexico.
Tuy nhiên, trước áp lực quá lớn từ người dân, Mexico đành nói không với Metalcla và chấp nhận mức bồi thường trên. Vụ bồi thường kỷ lục được ghi nhận là vụ kiện của Tập đoàn Năng lượng Chevron (Mỹ) thắng kiện 700 triệu USD trong tranh cãi với Ecuador về việc nước này đã trì hoãn các hợp đồng khai thác dầu, dẫn đến thiệt hại cho tập đoàn trên. Tuy nhiên, không lâu sau, vào tháng 2 năm nay, Tòa án tỉnh Sucumbios của Ecuador đã ra phán quyết yêu cầu tập đoàn năng lượng khổng lồ Chevron của Mỹ nhận trách nhiệm và bồi thường 8,6 tỷ USD, cộng với 10% phí pháp lý, do đã gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe người dân ở khu vực phía Bắc Ecuador trong khoảng thời gian từ năm 1964-1990.
Dù vậy, có thực tế là người dân El Salvador vẫn mong chờ chính phủ thay đổi quyết định và thông qua những kế hoạch đầu tư trong khai thác mỏ của Pacific Rim. Giám đốc Tổ chức Oxfam tại châu Mỹ, ông Andrés McKinley, cho rằng: “Người dân đang lo lắng về việc chính phủ thiếu khả năng kiểm soát những khu khai thác mỏ. Môi trường của El Salvador đang bị hủy hoại nghiêm trọng. 96% lượng nước trên bề mặt đã bị ô nhiễm”.
Điều tra sinh học các tiểu bang ở Mỹ vào năm 2000 cho thấy cyanua có thể biến đổi thành các dạng chất độc hại khác. Ngay khi cyanua phân rã vàng khỏi đá, nó cũng giải phóng các kim loại có hại. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, từ 1985- 2000, hơn 10 hồ nhân tạo chứa phế thải mỏ có nhiều cyanua đã bị sập. Thảm họa khốc liệt nhất là ở Romania năm 2000, khi phế thải mỏ chảy vào một nhánh sông Danube, giết chết hơn một ngàn tấn cá, do một dòng cyanua kéo dài 1.600 dặm tới biển Đen. |
Như Quỳnh