Đây là ca sinh sản thành công đầu tiên kiểu này, sau 10 ca ghép tử cung được biết trước đó ở Mỹ, Cộng hòa Czech và Thổ Nhĩ Kỳ từ những người hiến đã chết, đều đã thất bại trong việc sinh sản.
Công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, bác sĩ Dani Ejzenberg tại Bệnh viện Đại học Sao Paulo của Brazil, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết ca ghép tử cung này được thực hiện vào tháng 9-2016 khi người nhận 32 tuổi, người hiến 45 tuổi chết vì đột quị.
Người nhận bẩm sinh không có tử cung do hội chứng gọi là Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser. 5 tháng sau khi ghép, tử cung không có dấu hiệu bị từ chối, siêu âm cho thấy bình thường và người nhận đã có kinh nguyệt đều đặn. 7 tháng sau, trứng trước đó đã được thụ tinh và đông lạnh của người nhận, được cấy vào tử cung và 10 ngày sau đó, bà được xác nhận đã mang thai.
Bé gái ra đời qua mổ lấy thai lúc 35 tuần 3 ngày, nặng 2,55 kg.
Khi báo cáo nghiên cứu được gửi đến The Lancet, bé gái này được 7 tháng 20 ngày, nặng 7,2 kg và đang được tiếp tục cho bú. Bác sĩ Dani Ejzenberg cho biết, kỹ thuật này là khả thi và có thể giúp các phụ nữ có tử cung không thể sinh sản có cơ hội được ghép nhiều hơn vì số người sẵn sàng và cam kết hiến nội tạng sau khi chết lớn hơn nhiều so với số người hiến nội tạng khi còn sống.
Tuy nhiên, bà Ejzenberg nói các kết quả và tác động của ghép tử cung từ người hiến còn sống và đã chết vẫn chưa được so sánh và kỹ thuật này vẫn có thể được cải tiến và tối ưu hóa.
Em bé đầu tiên được sinh ra từ người mẹ được ghép tử cung từ người hiến còn sống ở Thụy Điển vào năm 2013. Cho đến nay, các nhà khoa học đã báo cáo tổng cộng 39 ca loại này, trong đó 11 ca em bé sinh ra còn sống.
Các chuyên gia ước tính vô sinh ảnh hưởng khoảng 10-15% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản trên thế giới. Trong nhóm này, khoảng 1/500 phụ nữ có các vấn đề về tử cung.
Trước khi ghép tử cung trở thành biện pháp khả thi, lựa chọn duy nhất để có con là nhận con nuôi hoặc sinh hộ.