

Sau 2 ngày làm việc với các bộ: Thương mại, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Công nghiệp, Khoa học – Công nghệ, Ngoại giao và một số cơ quan chức năng của Việt Nam, ngày 9-3, Cục trưởng Cục Các biện pháp bảo vệ thương mại của Tổng cục Thương mại, Ủy ban châu Âu - ông Fritz-Harald Wenig đã có cuộc gặp gỡ với đông đảo báo chí thông báo kết quả cuộc họp lần thứ nhất nhóm công tác EU – Việt Nam về việc trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam. Ông Fritz-Harald Wenig nói:
- Rõ ràng đã có nhiều tiến triển hướng tới việc đạt được quy chế nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Tôi hoàn toàn lạc quan về việc Việt Nam đã đáp ứng những tiêu chí mà EU đặt ra đối với tiêu chí nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
* Phóng viên: Thưa ông, với những chiều hướng như trên thì đến khoảng thời gian nào, Việt Nam có thể được EU công nhận là nền kinh tế thị trường?
- Ông FRITZ-HARALD WENIG: Cả Việt Nam và EU cần phải nỗ lực hơn nữa để đi đến sự đồng thuận. Việt Nam xứng đáng có một câu trả lời sớm. Theo nguyên tắc, muộn nhất đến năm 2018, Việt Nam sẽ được công nhận là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên qua những gì được chứng kiến ở Việt Nam, tôi xin khẳng định, chắc chắn Việt Nam sẽ được công nhận là nền kinh tế thị trường sớm hơn rất nhiều so với hạn định. Vấn đề này đang ở trong tầm tay của phía Việt Nam.
* Theo ông, những bộ luật của Việt Nam đã phù hợp với các thông lệ quốc tế về quy chế nền kinh tế thị trường?
Các bộ luật của Việt Nam đặt ra hầu hết phù hợp với các thông lệ quốc tế về quy chế nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, còn phải xem xét thêm việc triển khai các bộ luật trên ra sao và áp dụng trên thực tế như thế nào. Khoảng cách giữa các luật mà Việt Nam đề ra so với thực tế thì EU sẽ còn phải tiếp tục làm việc với Việt Nam trong khoảng 6 tháng nữa tại 1 địa điểm ở EU.
* Theo ông, những tiêu chí mà EU đặt ra cho điều kiện công nhận là kinh tế thị trường, tiêu chí nào Việt Nam đáp ứng được của EU?
- Việt Nam đã đạt được những tiến triển trên một số lĩnh vực bao gồm lĩnh vực liên quan tới sự can thiệp của Chính phủ vào các hoạt động của các công ty (ví dụ việc loại bỏ dần trợ cấp xuất khẩu), đơn giản hóa việc thành lập công ty, chấp thuận các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường cơ chế phá sản và luật sở hữu trí tuệ. Trong quá khứ, chúng tôi từng lo lắng nhiều về chính sách tác động lớn của Chính phủ đến chi phí sản xuất và trợ giá xuất khẩu cho các công ty ở Việt Nam. Tuy nhiên, bây giờ lại là điểm mạnh của Việt Nam về vấn đề này. Quá trình cổ phần hóa ở Việt Nam cũng đang là điểm sáng để EU xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường.
* Ông đánh giá chính sách thuế của Việt Nam như thế nào và có cạnh tranh được với các nước có nền kinh tế thị trường?
- Theo thông tin mới nhất mà tôi có được thì ở Việt Nam không có sự phân biệt đối xử về chính sách thuế giữa tư nhân và nhà nước, trong nước và nước ngoài.
* Trong thời gian tới đây, liệu có mặt hàng nào của Việt Nam bị kiện bán phá giá vào EU?
- Tôi hy vọng là không.
* Xin cảm ơn ông.
VĂN NGHĨA (ghi)
5 tiêu chí để xác định nền kinh tế thị trường 1. Mức độ ảnh hưởng của Nhà nước đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp. |