EVN lỗ năm thứ 2 liên tiếp

Giá điện đầu vào cao hơn giá điện bán ra nên mặc dù đã qua 2 lần tăng giá liên tiếp trong năm 2023, ngành điện vẫn lỗ.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra sáng 2-1, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, doanh thu bán điện của toàn EVN năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022; nộp ngân sách ước đạt 21.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tổng tài sản của EVN năm 2023 lại giảm 6,3%.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, năm 2023, EVN và các đơn vị nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí (tiết kiệm 15% chi phí thường xuyên, tiết giảm 20-50% chi phí sửa chữa lớn) và tiếp tục thực hiện các giải pháp để cố gắng cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh. Cạnh đó, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần (tăng 3% vào ngày 4-5 và tăng 4,5% vào ngày 9-11).

“Tuy nhiên các lần tăng này vẫn không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp”, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

img-4880-6964.jpeg
Hội nghị tổng kết năm 2023 của EVN ngày 2-1

Lãnh đạo EVN cho rằng, nguyên nhân thực trạng này là do chi phí khâu sản xuất điện vẫn tăng cao (chiếm tới 80% giá thành). Cụ thể, giá nhiên liệu năm 2023 mặc dù đã giảm so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước đây; cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém, làm sản lượng thủy điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu và năng lượng tái tạo… là những nguồn huy động có giá thành cao hơn giá thành thủy điện.

Đặc biệt, chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng. Điều này dẫn đến tình trạng tổng chi phí bình quân cho các khâu: phát điện, truyền tải và phân phối trong năm 2023 lên tới 2.092,78 đồng/kWh, nhưng giá bán điện bình quân chỉ 1.950,32 đồng/kWh.

evnquangphuc1_IPMM
Chi phí đầu vào cao hơn giá điện bình quân khiến EVN vẫn chưa cân bằng được lợi nhuận sản xuất kinh doanh

Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024 của EVN là hết sức nặng nề trong cả hai khía cạnh: đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính. Theo lãnh đạo EVN, ngành điện vẫn có thể tiếp tục đối mặt hàng loạt khó khăn, thách thức đối với hai khía cạnh này.

Các chỉ tiêu chính của EVN năm 2024 gồm: đảm bảo đủ lượng điện thương phẩm cho cả nước 262,26-269,3 tỷ kWh, tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; thực hiện các nhiệm vụ được giao về xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phấn đấu đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững hơn…

Tin cùng chuyên mục