Sau sơ loại, đến nay hơn 200 thí sinh trên cả nước đã lọt vào vòng 2 cuộc thi S.M.A.C Challenge 2015. Các thí sinh này đã được FPT cấp tài khoản trên Đám Mây của FPT (Cituspaas) để viết các ứng dụng công nghệ.
Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, S.M.A.C Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Tổng giá trị giải thưởng là 250 triệu VND (bao gồm tiền mặt và hiện vật). Ngoài ra, cuộc thi còn mang đến cho các bạn thí sinh nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures rót vốn đầu tư.
Cuộc thi S.M.A.C Challenge 2015 đã thu hút hơn 68 đội thi, với 300 thí sinh trên toàn quốc sau 2 tháng phát động. Kết thúc vòng 1, 48 đội thi có ý tưởng rõ nét đã được BTC lựa chọn vào vòng 2. Trong đó, Hà Nội có 26 đội, TPHCM mặc dù là năm đầu tiên tham gia nhưng đã có 22 đội lọt vào vòng trong. Trường Đại học CNTT TPHCM dẫn đầu về số lượng đội thi được chọn (10 đội), tiếp theo là Học viện Bưu chính Viễn thông Hà Nội (8 đội), Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Công nghệ…
Hiện cuộc thi đã bước vào vòng 2, các thí sinh sẽ được FPT đào tạo trực tuyến; trải nghiệm một số sản phẩm công nghệ mới của FPT (truyền hình FPT và FPT Play, DirectTV, Vé tàu điện tử, sàn thương mại điện tử Sendo…); phát triển kỹ năng mềm thông qua các hoạt động nhóm; đặc biệt là được giao lưu với các chuyên gia công nghệ và nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp trẻ tài năng.
Với giai đoạn đào tạo, từ tối 8-10, FPT chính thức kích hoạt tài khoản Đào tạo trên website smac.fpt.com.vn. Với tài khoản Cituspaas do FPT cung cấp, các thí sinh có thể tự tạo ứng dụng từ các ngôn ngữ lập trình như NodeJs, PHP, Java, Ruby... Bên cạnh đó, các thí sinh còn được cung cấp một số dịch vụ thông minh như: Dịch vụ tổng hợp tiếng nói tiếng Việt (TTS); Dịch vụ phân tích ngôn ngữ tự nhiên cho tiếng Việt(NLU; Dịch vụ cơ sở dữ liệu dạng đồ thị (Neo4j); Dịch vụ hỏi đáp (AIML) được xây dựng để phát triển ngôn ngữ tự nhiên giữa người và máy. Ngoài ra, ở vòng chung kết, FPT sẽ cung cấp Robot cho các thí sinh phát triển sản phẩm.
|
Bá Tân