Theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2014 - thời điểm Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ - những thương vụ nhượng quyền kinh doanh (franchise) còn nở rộ nhiều hơn nữa. ThS Ngô Trọng Thanh, Giám đốc điều hành Mancom Solutions, nhà sáng lập thương hiệu cơm kẹp - VietMac, chia sẻ góc nhìn của mình với Báo SGGP.
Thị trường còn sơ khai
Việc McDonald’s sẽ mở cửa hàng nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm nay có thể coi là một tín hiệu tốt cho thị trường fastfood tại Việt Nam. Trong nhận thức của nhiều người, đặc biệt với giới doanh nhân, một thành phố sẽ không được coi đầy đủ tiện nghi, nếu không có McDonald’s hoặc Starbucks.
Sau 16 năm, kể từ khi thương hiệu KFC khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, sự xuất hiện (có phần muộn màng) của McDonald’s như một sự đánh dấu quy mô đủ lớn của thị trường fastfood, cũng như đáp ứng được nhu cầu phổ cập của mọi người. Tuy nhiên, cũng không nên quá chú ý đến sự gia nhập thị trường Việt Nam của McDonald’s. Vì điều này cũng bình thường như những thương hiệu đa quốc gia khác đã vào Việt Nam, thậm chí còn sớm hơn nhiều, như P&G, Unilever, hay Coca Cola, Nestle...
Công bằng mà nói, mô hình franchise vẫn còn khá sơ khai tại thị trường nội địa, với sự khởi đầu của KFC từ năm 1997. Trong khi đó, mô hình này đã xuất hiện trên thế giới từ năm 1851, khi Albert Singer - chủ của thương hiệu máy may Singer, lần đầu tiên áp dụng mô hình nhượng quyền để mở rộng kinh doanh.
Chỉ riêng ở Malaysia có hơn 450 cửa tiệm McDonald’s (một số bang của nước này không cho phép mở cửa hàng, vì lý do tín ngưỡng). Hoặc tại Thái Lan, có hơn 2.000 cửa hàng nhượng quyền của riêng Tập đoàn CP. So sánh với số lượng cửa hàng nhượng quyền trong nước, chúng ta có thể thấy được mức độ sơ khai của thị trường nội địa.
Chấp nhận rủi ro
Bất cứ một người nào bắt tay vào kinh doanh đều biết rằng, rủi ro luôn là một phần tất yếu của công việc kinh doanh và chấp nhận rủi ro cũng là yếu tố bắt buộc của mọi doanh nhân khởi nghiệp. Franchise cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo tổng kết, mô hình nhượng quyền là một trong những hình thức an toàn nhất cho các nhà đầu tư. Với mô hình này, khi đầu tư tiền, bạn đã có thể mua được thương hiệu, bí quyết kinh doanh, mô hình vận hành… của một thương hiệu, một công ty đã thành danh.
Tất nhiên, cũng có những thương vụ franchise thất bại, kể cả đối với các thương hiệu quốc tế. Chúng ta có thể thấy sự “im hơi lặng tiếng” của những chuỗi cà phê nước ngoài, đã phải vật vã tồn tại, phải đóng cửa bớt cửa hàng trong thời gian qua. Hoặc, sự chuyển quyền sở hữu của một chuỗi cửa hàng tiện dụng của Nhật Bản sau một thời gian hoạt động rầm rộ ở TPHCM.
Bên cạnh đó, một số thương hiệu “tí hon” của người Việt lại có những thành công ban đầu, nhờ sự am hiểu về thị trường địa phương, nhờ cách thức phát triển thông minh. Tiêu biểu thời gian qua, thị trường cà phê take-away (mua xong mang đi, không uống tại chỗ) ở TPHCM nở rộ. Hình thức này vẫn có tính truyền thống, do đáp ứng được nhu cầu uống cà phê thường ngày của người Sài Gòn, nhưng cũng có nét mới, đáp ứng được sự thuận tiện cho cuộc sống di chuyển và bận rộn.
Việc kiên trì tuân thủ quy trình tại mọi cửa hiệu trong chuỗi, dù chịu áp lực về doanh số, lợi nhuận hàng ngày, hàng tháng luôn là sự thách thức lớn nhất với mọi nhà giao và nhận nhượng quyền. Nó còn thách thức gấp bội, nhất là đối với những doanh nghiệp không có tiềm lực mạnh về tài chính - điều thường xảy ra với doanh nghiệp Việt.
Hãy nghe để rồi tự quyết định
Tôi có đọc trên báo chí rằng, một nhà đầu tư có kinh nghiệm nhượng quyền thương mại ở Biên Hòa đưa ra lời bình luận: “Những người mới bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực này không nên nghe lời khuyên của những công ty môi giới, vì mục đích chính của họ không phải cung cấp thông tin trung thực và hữu ích, mà chỉ tìm cách thuyết phục nhà đầu tư mua quyền kinh doanh thương hiệu để lấy hoa hồng. Thay vào đó, người mua franchise không chỉ nghiên cứu kỹ các tài liệu được bên nhượng quyền cung cấp, còn nên dành thời gian liên hệ với những người đã và đang nhận quyền để tìm hiểu cho cụ thể”.
Ở một góc độ nào đó, có thể nói đây là ý kiến khá cực đoan. Nếu theo tư duy này, chúng ta cũng có thể nói hãy đừng tin bất kỳ một nhà cung cấp dịch vụ nào, vì họ cũng chỉ nghĩ đến lợi nhuận hay hoa hồng của họ. Hoặc, cũng đừng tin bất kỳ một nhân viên nào trong tổ chức của mình, vì họ cũng chỉ là người làm công ăn lương... Khi sử dụng dịch vụ tư vấn, là lúc chúng ta đang sử dụng được “túi khôn”, cũng như thông tin đa chiều, khách quan và mối quan hệ kinh doanh chuyên sâu của người khác.
Song cũng phải công nhận rằng, nếu nhìn ở góc độ khác, đây là ý kiến đúng. Cũng như những nhà đầu tư hay doanh nhân trong bất kỳ lĩnh vực nào khác, người đầu tư cửa hàng nhượng quyền là người chịu trách nhiệm cuối cùng với những đồng tiền mình bỏ ra. Vì vậy, hãy coi ý kiến của nhà tư vấn là nguồn tham khảo, còn chủ đầu tư mới là người đưa ra quyết định cuối cùng. Việc nghiên cứu đối tác, tìm hiểu tình hình kinh doanh thực tế, đánh giá khả năng thành công, là điều luôn cần phải làm.
| |
Th.S NGÔ TRỌNG THANH
Sổ tay: Khi “vòng cung vàng kiêu hãnh” chuyển màu
Trong cuốn sách kinh điển về toàn cầu hóa - “Chiếc Lexus và cây ô liu” - nhà báo Mỹ Thomas Friedman có nhắc đến câu chuyện một bé gái người Nhật Bản khi đến Los Angeles đã thốt lên với mẹ: “Mẹ xem kìa, ở đây họ cũng có McDonald’s”. Sự nhầm lẫn ngây thơ của cô bé đã khiến một người Mỹ như Friedman phải suy nghĩ. Ông không ngần ngại bình luận: “Điều quan trọng cháu gái người Nhật cần hiểu rằng McDonald’s là một món ăn nước ngoài, đến từ Chicago, Mỹ và do một người tên là Ray Kroc sáng lập. Không được làm cho cháu ngộ nhận nó là món ăn Nhật Bản”. Vấn đề ở đây là “cây ô liu” cần được gìn giữ từ gốc rễ.
Thực ra người Nhật không phải không nhận ra được điều này. Vào mùa lá đỏ năm 2010, người viết bài này nhận thấy, ở nhiều khu vực tại Kyoto, biểu tượng vòng cung vàng kiêu hãnh của McDonald’s bị buộc phải đổi màu (sang màu đỏ) để phù hợp với quy hoạch kiến trúc, nhằm giữ được sắc thái trầm mặc cho cố đô ngàn tuổi này.
Thiết nghĩ, việc quy hoạch các cửa hàng nhượng quyền ở nước ta (dù thị trường nhượng quyền được coi là vẫn còn ở mức sơ khai) cũng rất cần phải nghĩ đến, xét từ góc độ bản sắc văn hóa dân tộc. Sự hiện diện của McDonald’s, vốn được coi như biểu tượng văn hóa Mỹ (và rất nhiều “biểu tượng văn hóa” khác) ở một số khu vực cũng cần được cân nhắc. Phải có quy hoạch những khu vực cần bảo tồn và không nhượng bộ, mặc dù điều này đòi hỏi ở nhà chức trách sự nhạy cảm và cứng rắn cần thiết.
Nhắc lại điều này không thừa, bởi ở ngay “khu vực lõi” của khu phố cổ Hà Nội, không quá khó để tìm ra những ví dụ đáng để lưu tâm. Ngay dưới chân cột cờ Hà Nội - một di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia là một quán cà phê hiện đại, cũng kinh doanh theo lối nhượng quyền. Hoặc ngay bên bờ hồ Gươm, một cửa hàng KFC hoành tráng được đặt trong một tòa nhà theo kiến trúc Pháp, nhìn ra đài phun nước quảng trường Đông kinh Nghĩa thục... Không dám khẳng định đúng sai, nhưng việc có nên “tân cổ giao duyên” ở những vị trí như thế hay không là điều rất cần cân nhắc.
Hoàn toàn không phải sớm, bởi thị trường nhượng quyền được dự báo sẽ nở rộ từ năm 2014 trở đi.
CẨM HÀ