G20 loay hoay chọn “toa thuốc” mới

Hôm nay 26-6, Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm các nước phát triển và các nước mới) sẽ diễn ra ở Toronto, Canada. Trước đó, các nước thuộc nhóm G8 (các nước phát triển) đã nhóm họp ở Ontario. Chủ đề chính mà các nước G20 muốn đưa ra thảo luận chính là “toa thuốc mới” cho nỗ lực khôi phục kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, các “thầy lang” dường như không thể thống nhất về các biện pháp chữa bệnh khủng hoảng kinh tế.

Còn nhớ cách đây hai năm, đa số các nước, từ các nước giàu như Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu cho đến các nước đang phát triển ở châu Á đều thống nhất thành lập các gói kích cầu lên đến hàng trăm tỷ USD để giúp nền kinh tế của chính mình vượt qua cuộc khủng hoảng. Nhưng giờ đây họ lại không thể thống nhất các “bài thuốc” đưa nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Điểm duy nhất họ đồng thuận là: tình trạng kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.

Không điều gì bảo đảm “toa thuốc” nào có khả năng phát huy tác dụng cao và sẽ được thống nhất chọn lấy để áp dụng. Nước Mỹ kêu gọi các nước khác không nên rút lại các gói kích thích quá sớm. Nước Anh thì ngược lại. Anh chọn cách đứng về phía các nước châu Âu, muốn người dân nước mình thắt lưng buộc bụng nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ nợ công.

Trong một lá thư gửi đến lãnh đạo Liên minh châu Âu vào giữa tháng này, Tổng thống Obama đã lên tiếng chỉ trích rằng trong khi các biện pháp thắt lưng buộc bụng tại Hy Lạp và Tây Ban Nha đang cần có thời gian chứng minh hiệu quả thì việc cắt giảm ngân sách ở Đức, Pháp, Anh sẽ tạo nên sự ảnh hưởng sâu rộng đến sự phôi phục kinh tế ở châu Âu. Những biện pháp này đều có thể giảm nhu cầu chi dùng nội địa, trì hoãn sự phát triển của nền kinh tế.

Tổng thống Mỹ lo ngại điều này có thể làm chệch hướng đà phục hồi mong manh của nền kinh tế hiện nay. Ông nêu rõ thời điểm và tốc độ giảm chi ngân sách cần phù hợp với nhu cầu của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, Mỹ còn muốn thắt chặt hơn nữa quy định đối với các sản phẩm tài chính, các quỹ đầu cơ và các hoạt động ngân hàng mang tính rủi ro cao.

Chủ tịch EU Herman Van Rompuy thì khẳng định rằng, khối này sẽ đi theo con đường của mình dù G20 có đạt được thống nhất hay không. EU có lý do của mình vì họ đang rơi vào cuộc khủng hoảng nợ, nếu không thắt lưng buộc bụng thì nguy cơ vỡ nợ còn nguy hiểm hơn một cuộc khủng hoảng kinh tế thông thường.

Chỉ có hai ngày để thống nhất một toa thuốc chung cho 20 quốc gia nói riêng và thế giới nói chung thì quả là thời gian quá ngắn. Giới chuyên gia nhận định, trong các cuộc thảo luận sắp tới ở Toronto, nhiều vấn đề sẽ chỉ được giải quyết nếu Mỹ, châu Âu và các nước mới nổi như Trung Quốc chấp nhận sự khác biệt, hoặc phải tạm gác lại những khác biệt đó tới các hội nghị sau, và như thế, một “toa thuốc” hợp lý sẽ vẫn là điều chưa đạt được.

Tuy nhiên, bản thân “sự khác biệt” có thể lại chính là một toa thuốc mới: tất cả các nước phải tự “kê đơn” cho mình vì chỉ có chính mình mới hiểu “căn bệnh” đang diễn ra như thế nào trong “cơ thể kinh tế” của mình. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục