Gần 17.000 tỷ đồng đầu tư vào Tây Nguyên

Ngày 12-4, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2-2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì hội nghị.

(SGGP). – Ngày 12-4, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2-2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì hội nghị.

Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện 30 tổ chức tín dụng trực tiếp vào quá trình cung cấp vốn cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư tại Tây Nguyên, đại diện 450 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã, đang và sẽ tiếp tục có các chương trình, dự án đầu tư vào Tây Nguyên. Đây là sự kiện xúc tiến đầu tư trọng điểm cấp quốc gia nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên; các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư, các dự án trọng điểm cần thu hút vốn...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tây Nguyên là vùng đất có tiềm năng to lớn, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, với bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Trung ương đã có nhiều chính sách ưu đãi với Tây Nguyên nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng Bộ Giao thông Vận tải đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ 14, 19, 20, đường Đông Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. Các sân bay Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Pleiku ngày càng được nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương với các vùng, miền trong nước. Hiện nay, Tây Nguyên là vùng sản xuất nhiều loại nông sản hàng hóa với sản lượng lớn (cao su, cà phê, tiêu, dược liệu, nguyên liệu giấy, chè…), có nhiều lợi thế cạnh tranh cả trong nước và quốc tế... Với nhiều điều kiện thuận lợi như vậy, song đến nay Tây Nguyên chỉ mới thu hút được 169 dự án với tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 1 tỷ USD, chỉ bằng 1,2% về số dự án và 0,4% về tổng vốn FDI đăng ký của cả nước.

Để tiếp tục xây dựng Tây Nguyên phát triển ngang bằng các khu vực “động lực” trong nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý lãnh đạo các tỉnh trong khu vực cần tăng cường phối hợp, liên kết, cùng nhau tận dụng vốn quý về tiềm năng đất đai, cây công nghiệp, du lịch, tăng cường cải cách hành chính… để tạo “sức bật” mới cho toàn vùng. Các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên, tạo cơ chế thông thoáng, có chính sách thu hút thỏa đáng các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào Tây Nguyên, đầu tư trọng điểm có tính lan tỏa; các ngân hàng thương mại dành các nguồn vốn vay ưu đãi, giải ngân sớm cho các dự án đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực chế biến nông – lâm sản, tạo đà cho Tây Nguyên phát triển và ngày càng hấp dẫn, trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước phải đi đầu trong việc hỗ trợ tín dụng cho nông dân sản xuất; doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản ở Tây Nguyên. Thống đốc nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ làm đầu mối, kết nối tất cả các chương trình tài trợ cho an sinh xã hội đối với đồng bào nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong vùng Tây Nguyên. Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng cũng đã chia sẻ, trao đổi với các nhà đầu tư các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào vùng trong những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, lợi thế như nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khai khoáng, năng lượng, du lịch, dịch vụ...

Tại hội nghị lần này đã có 12 dự án được trao giấy phép đầu tư, với số vốn gần 17.000 tỷ đồng; trong đó tỉnh Gia Lai có 3 dự án, với số vốn lên đến gần 15.000 tỷ đồng. Lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp tham dự hội nghị cũng đã ký cam kết ủng hộ các tỉnh Tây Nguyên hơn 250 tỷ đồng để thực hiện chương trình an sinh xã hội đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Trong khuôn khổ hội nghị, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết hợp đồng tài trợ 7.325 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Trong thời gian tới, BIDV cũng triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 2.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi để hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng cao su, cà phê, hồ tiêu…, sản phẩm nông sản chủ lực của khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, trong giai đoạn 2013 - 2015, BIDV cam kết dành ra gói tín dụng khoảng 5.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi, để hỗ trợ phát triển kinh tế và 30 tỷ đồng dành cho chương trình an sinh xã hội ở Tây Nguyên.  

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục