
Cơn mưa của xứ Huế không át được tiếng đọc bài của con trẻ mỗi lúc đêm về trong lớp học tình thương của cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh ở khu tái định cư Kim Long. Đã gần 30 năm, biết bao thế hệ học trò đi qua, cô giáo Hạnh vẫn miệt mài dạy chữ cho những trẻ em nghèo xóm vạn đò.

Chị Bạch Thị Ngọc Hạnh tại lớp xóa mù chữ, khu tái định cư xóm vạn đò Kim Long.
Gia đình chị sống ở khu vực Bến Me, nằm bên bờ sông Hương, thuộc phường Phú Thuận (thành phố Huế). Những năm đầu mới giải phóng, Bến Me là xóm lao động nghèo với trên 80% là dân vạn đò. Cuộc sống của họ trôi nổi trên sông nước, chuyện học hành của con cái chẳng mấy ai để ý đến. Chứng kiến nhiều em đã đến tuổi đi học mà không biết đếm, chị nảy sinh ý định lập lớp học trong xóm. Để thu hút các em đến lớp, đêm đêm chị tổ chức các buổi vui chơi, tập hát cho các em, nhưng do không biết chữ nên việc tập hát rất khó. Thế là chị tập đọc, tập viết cho các em.
Lúc đó ở xóm Bến Me có một hội trường của HTX cát sạn Thuận Lộc bỏ trống, chị mượn để làm lớp học. Thế là đêm đêm, bên ngọn đèn dầu leo lét, lớp học xóa mù chữ ê a tiếng con trẻ đọc bài. Lúc đầu lớp học chỉ có 10 học sinh, bởi rất nhiều người cho rằng cơm còn chưa đủ ăn, học hành làm gì. Với nhiều gia đình, chị phải tới vận động năm lần bảy lượt họ mới cho con theo học. Được 10 năm thì HTX cát sạn Thuận Lộc khôi phục sản xuất, lấy lại hội trường.
Thấy chị chạy vạy mượn phòng khắp nơi, ông Trần Văn Miền, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc lúc đó, cho chị mượn hội trường ủy ban phường. Có chỗ học nhưng nghiệt nỗi nơi này lại cách xa xóm Bến Me nên không một em nào chịu đến lớp. Đó là vào năm 1985, lớp học của chị không duy trì được. Cũng thời gian đó chị lập gia đình. Một năm sau, khi hai vợ chồng có nhà riêng, chị quyết tâm khôi phục lớp học tại nhà. Ngày chị vào nhà mới cũng là ngày lũ trẻ cặp sách đến nhà chị học.
Đến năm 1995, xóm vạn đò ở Bến Me được di dời lên khu tái định cư Kim Long (TP Huế). Cả cô trò cùng chuyển đi, lớp học lại tiếp tục bị gián đoạn 1 năm. Sau đó, chính quyền có chính sách hỗ trợ con em vạn đò đến trường. Nhưng khổ nỗi, nhiều em lớn tuổi hơn các bạn cùng khóa, số khác thì không theo kịp chương trình phổ thông… lại bỏ học. Các gia đình lại đem con đến nhà nhờ chị Hạnh kèm giúp, một hai tháng đầu họ trả tiền thù lao dạy thêm, nhưng rồi vì hoàn cảnh quá khó khăn nên cũng chẳng ai nộp. Chị vẫn tiếp tục dạy miễn phí. Mãi cho đến năm 2000, khi có dự án Plan tài trợ cho các lớp học tình thương, lớp học của chị được chuyển ra học ban đêm tại Trường tiểu học khu tái định cư Kim Long, chị Hạnh được trả lương 350.000 đồng/tháng.
Đã gần 30 năm qua, chị Bạch Thị Ngọc Hạnh vẫn đều đặn gieo chữ cho những học trò nghèo của xóm vạn đò. Chị tâm sự: “Cô nghèo, trò cũng nghèo nên tui cũng chẳng suy tính thiệt hơn”. Có lúc, gia đình chị rất khó khăn. Chị may vá kiếm chút đỉnh, lúc rảnh rỗi cắt rau cắt cỏ mang ra chợ bán. Còn chồng chị làm nghề đánh xe bò chở thuê cho bà con ngày được ngày mất nên cũng chẳng kiếm được bao. Được cái gia đình êm ấm, thấy chị dạy học giúp trẻ em vạn đò, cả nhà ai cũng vui. Hôm chúng tôi đến, chị khoe, năm vừa rồi chị đã xin được cho 6 em học sinh của xóm vạn đò Kim Long vào học ở các trường công lập (3 em học tiểu học, 3 em học THCS). Gia đình chị giờ đã khá hơn trước.
Sau bao năm dành dụm, chồng chị đã mua được xe chở hàng, lo toan được tài chính cho gia đình; 5 người con của chị cũng đã lớn, chị càng yên tâm dạy học hơn. Mới đây thôi, đầu tháng 11-2005, trong lúc mưa gió bão bùng có người đại diện ở xã Vinh Hà (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) lên tận nhà mời chị về dạy xóa mù chữ cho trẻ em xã này, nhưng chị đành từ chối bởi lớp học tình thương ở khu tái định cư Kim Long không thể thiếu chị.
PHAN LÊ