Câu chuyện từ các loại trái cây “tẩm các hóa chất độc hại” đến “heo siêu nạc” được tạo ra từ các “thần dược” đã gây hoang mang cho người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, câu chuyện hàng thủy sản xuất khẩu bị trả về do vướng các hàng rào kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm đã đặt hàng nông sản Việt Nam vào thế phải tái cơ cấu sản xuất theo xu hướng liên kết để tạo nên chuỗi giá trị trong sản xuất.
ĐBSCL có vựa nông - thủy sản với khoảng 800.000ha nuôi thủy sản, sản lượng khoảng 2,4 triệu tấn và diện tích cây ăn trái khoảng 300.000ha, sản lượng 3,8 triệu tấn, chiếm gần 50% sản lượng cả. Trong khi đó, đất trồng lúa 3 vụ khoảng 4 triệu ha/năm, sản lượng trên 25 triệu tấn… là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu chủ lực cho xuất khẩu nông - thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp đều có chung nhận định: Nông nghiệp ĐBSCL vẫn trong tình trạng phát triển chưa bền vững, thu nhập của nông dân còn thấp. Thực tiễn sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng đang đặt ra nhiều khó khăn như: Cở sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ. Hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt trong nuôi tôm.
Với quy mô nông hộ, mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp ĐBSCL chưa chặt chẽ. Tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, giá bán thường xuyên biến động, không ổn định. Số doanh nghiệp tham gia đầu tư, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp với người sản xuất chưa nhiều. Mối liên kết theo chuỗi giá trị các ngành hàng từ sản xuất đến tiêu thụ chưa chặt chẽ, thiếu bền vững. Để khắc phục vấn đề này, nhiệm vụ cấp bách là quy hoạch ổn định các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực. Trong đó, yếu tố then chốt là tổ chức lại sản xuất gắn kết thiết thực với nhu cầu của thị trường. Nhiều nước nhập khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam đang đặt ra những rào cản thương mại rất cao, do đó muốn xuất khẩu vào những thị trường khó tính, đòi hỏi nông sản ĐBSCL phải có thương hiệu uy tín, sản lượng lớn, ổn định và chất lượng cao, đồng nhất trên từng loại sản phẩm. Chính vì vậy, việc các ngành chức năng hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã canh tác, sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho sản phẩm là “đòn bẩy” để nông - thủy sản Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thương trường.
Thực tế, ĐBSCL đã xuất hiện một số mô hình nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất cây ăn trái, lúa… đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các mô hình này phát triển rất chậm chạp do đòi hỏi tuân thủ các quy định nghiêm ngặt và nguồn lực đầu tư khá lớn. Người tiêu dùng “thông minh” đòi hỏi và truy xét về nguồn gốc nông - thủy sản sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn là tất yếu trong xu thế hội nhập và ngay cả thị trường nội địa. Chính vì vậy, việc hình thành các tổ chức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tạo ra sản phẩm sạch, đồng nhất, gắn với các kênh phân phối hợp lý là “chỉ dẫn tin cậy” cho người tiêu dùng trong và nước.
CAO PHONG