
Mấy ngày nay, nhiều doanh nghiệp trong nước và cả những doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, đang dõi theo cuộc đàm phán song phương và đa phương của đoàn Chính phủ Việt Nam đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là vòng đàm phán được mong đợi, có ý nghĩa quyết định đối với cơ hội gia nhập WTO của Việt Nam trước cuối năm nay, trong đó đặc biệt quan trọng là vòng đàm phán song phương với Mỹ vào 25-3-2006.

Như ta đã biết, WTO là tổ chức thương mại lớn nhất thế giới, với 150 nước thành viên và 29 nước quan sát viên, chiếm 85% thương mại toàn cầu và chiếm tới 90% thương mại, dịch vụ toàn thế giới. Vì thế, việc gia nhập WTO là một xu thế tất yếu để hội nhập khi toàn cầu hóa là điều không thể đảo ngược. Gia nhập WTO sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh hơn tiến trình cải cách, đổi mới và đi lên của đất nước, tạo môi trường cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Trong quá trình gia nhập WTO, tính đến nay, Việt Nam đã phải trải qua 11 năm đàm phán liên tiếp, với hơn 4.000 cuộc họp, gặp gỡ.
Và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để mở cửa thị trường, hoàn thiện khung pháp lý, chẳng hạn xây dựng và thông qua 29 luật trong năm 2005. Vì thế,trước vòng đàm phán hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam Lương Văn Tự, chúng ta đã đi được 4/5 quãng đường gia nhập WTO. Nhiều giới chức và doanh nghiệp Mỹ và nhiều nước khác bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc Việt Nam gia nhập WTO, trong đó có 21 tập đoàn hàng đầu Mỹ vừa đến thăm Việt Nam.
Đặc biệt, việc Việt Nam trở thành nước chủ nhà của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2006, mà trọng tâm là tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11 tại Hà Nội, sẽ là động lực để tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam tiến triển tốt hơn. Và nhiều người tin rằng khoảng cách còn lại giữa hai bên sẽ được giải quyết tại vòng đàm phán Geneva.
Tuy nhiên, dù khoảng cách còn rất ngắn, nhưng để vượt qua được cũng không phải là điều dễ dàng. Các phiên đàm phán hiện nay sẽ tập trung vào những vướng mắc còn lại về trợ cấp nông nghiệp, quyền kinh doanh, doanh nghiệp Nhà nước, xây dựng pháp luật, dịch vụ ngân hàng, lãnh vực phân phối và một số dòng thuế.
Những vấn đề còn lại tuy không nhiều, nhưng phần lớn là những vấn đề rất khó như không được can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, xóa bỏ hoàn toàn các hỗ trợ dành riêng cho khu vực này, xóa bỏ hoàn toàn trợ cấp xuất khẩu ngay từ khi gia nhập WTO… Vòng đàm phán còn phải giải quyết những vướng mắc lớn trong các lãnh vực thuế và dịch vụ, trong dầu khí, viễn thông, chuyển phát nhanh….
Khoảng cách còn lại rất gần, nhưng có vẻ rất xa, vượt qua rất khó khăn đối với một đất nước đang phát triển ở trình độ thấp và đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế như Việt Nam. Thật là bất công khi các nước giàu đặt yêu cầu quá cao đối với các nước nghèo khi vào WTO, mà không dành cho họ một lộ trình để bước đi theo khả năng của mình. Đây là vấn đề cần được sự thông hiểu giữa các bên trong đàm phán. Và đây cũng là vấn đề mấu chốt để vòng đàm phán Geneva hiện nay về việc Việt Nam gia nhập WTO được kết thúc tốt đẹp.
PHƯỢNG LAM