Gấp rút mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Bài 3: Linh hoạt nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ

Với vị trí thuận lợi và nhu cầu cấp bách, lẽ ra tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành phải được mở rộng giai đoạn 2 càng sớm càng tốt. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao dự án này lại không kêu gọi các nguồn đầu tư tư nhân để đẩy nhanh tiến độ?

Vì sao Nhà nước phải "ôm"?

Thông tin từ VEC (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam), trong năm 2023, tổng lưu lượng xe lưu thông tuyến TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là 20,4 triệu lượt. Tổng doanh thu thu phí (bao gồm VAT) tuyến TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là 1.519,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng giai đoạn 2 tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành lại giậm chân tại chỗ. Một số ý kiến cho rằng, nếu nguồn vốn công gặp khó khăn, tại sao tuyến đường cao tốc này không mời gọi các thành phần kinh tế khác, ví dụ như Tập đoàn Đèo Cả, Sơn Hải... hoặc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Đây đều là các doanh nghiệp có kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam.

T5a.jpg
Hàng dài xe nối đuôi nhau qua trạm thu phí Long Phước trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trả lời câu hỏi trên, đại diện Bộ GTVT cho biết, trước năm 2022, VEC đã từng nghiên cứu 4 phương án đầu tư khác nhau gồm: phương án 1 - đầu tư công; phương án 2 - đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT; phương án 3 - nhượng quyền đầu tư, khai thác theo quy định của Luật Quản lý tài sản công; phương án 4 - VEC thực hiện đầu tư mở rộng. Như vậy, phương án mời gọi các thành phần kinh tế khác chính là phương án 2 đã được nghiên cứu. Bộ GTVT đánh giá, ưu điểm của phương án này là thu hút được nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nhược điểm là rất khó tách bạch doanh thu (không thể phân chia doanh thu theo làn xe) cũng như chi phí bảo trì và trách nhiệm quản lý, vận hành đường cao tốc giữa nhà đầu tư mới và VEC, dẫn đến xung đột lợi ích.

Sơ bộ phương án tài chính cho thấy, VEC hay thành phần kinh tế khác đầu tư đều cần có sự hỗ trợ vốn của Nhà nước. Do đó, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng dự án và đề nghị trong quá trình nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, VEC phải tính toán và báo cáo cụ thể khả năng cân đối vốn và cơ chế có liên quan để có thể thực hiện dự án này.

Muốn nhanh phải thay đổi cách làm

Theo ý kiến các chuyên gia, đối với những tuyến đường “con gà đẻ trứng vàng” như tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành, không khó kêu gọi những nhà đầu tư tư nhân tham gia. Họ sẽ chủ động toàn bộ từ việc thu xếp vốn cho đến các giải pháp thi công cũng như việc thu hồi vốn. Dự án này càng hấp dẫn khi theo UBND tỉnh Đồng Nai, tuyến đường đã có mặt bằng sạch, chỉ bắt tay thi công. Việc thu hút vốn tư nhân vào dự án này cũng đúng với chủ trương của Bộ GTVT là Nhà nước chỉ tham gia những dự án khó thu hồi vốn mang tính chất dân sinh, phát triển quốc gia, còn những công trình dễ thu hồi vốn nên để cho các thành phần kinh tế khác thực hiện.

Theo PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), vấn đề ở đây là cách làm của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải nằm ở luật pháp. Có những dự án nhà đầu tư rất muốn làm, phương án tài chính rất khả thi nhưng cơ quan nhà nước lại muốn đầu tư công. Trong khi những dự án ở vùng sâu vùng xa, lưu lượng phương tiện ít, không được đại đa số các nhà đầu tư quan tâm như đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tân Phú - Bảo Lộc thì lại đầu tư PPP. Vốn nhà nước cần dành đầu tư vào những dự án có mục tiêu chính trị - xã hội và nên áp dụng mô hình PPP đối với những dự án hấp dẫn sự tham gia của nguồn lực tư nhân.

Với dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành, nhu cầu mở rộng đã rất cấp bách, trong khi phương án triển khai vẫn chưa ngã ngũ. Đại diện VEC cho biết, hiện VEC đang hoàn thiện phương án đầu tư để trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo dự kiến của VEC, thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 đến năm 2028 (bao gồm cả thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư). Nếu vậy, việc mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành sẽ không theo kịp tiến độ của sân bay Long Thành!

Tại Thông báo số 70/TB-VPCP ngày 28-2-2024 kết luận chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT và số 72/TB-VPCP ngày 28-2-2024 kết luận phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC hoàn thiện phương án nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xem xét, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đề xuất tối đa 2 phương án khả thi nhất để xem xét, quyết định. Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trình cấp thẩm quyền quyết định trong tháng 3-2024.

Tin cùng chuyên mục