Gấp rút mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Bài 1: Bận rộn thu phí, cấp tập kẹt xe

Với lưu lượng xe bình quân từ 57.000-60.000 lượt/ngày, lúc cao điểm lễ, tết có khi lên tới hơn 75.000-78.000 lượt/ngày, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành được ví như “con gà đẻ trứng vàng” cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, người tham gia giao thông lại vô cùng bức xúc vì ùn tắc diễn ra như cơm bữa, gây mất an toàn giao thông.

Xe nối đuôi di chuyển chậm lên cầu Long Thành trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xe nối đuôi di chuyển chậm lên cầu Long Thành trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG HÙNG

LTS: Chỉ ít năm sau khi đưa vào khai thác, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành đã bị quá tải. Kế hoạch mở rộng đã được khởi động từ năm 2019 nhưng đến nay, mọi thứ vẫn nằm trên giấy. Có nhiều phương án được đưa ra, song vấn đề nằm ở chỗ chưa thu xếp được vốn. Trong khi đó, với tiến độ dự án sân bay Long Thành dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2026, trục cao tốc TPHCM - Long Thành, kết nối trực tiếp giữa đại đô thị lớn nhất nước với sân bay Long Thành, sẽ càng trở nên quá tải, thường xuyên ùn ứ nếu không bắt tay mở rộng ngay lúc này.

Lưu thông chậm chạp vẫn tăng phí

Tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ tai nạn đang là vấn đề nóng bỏng trên nhiều tuyến đường cao tốc, không chỉ ở những tuyến đầu tư phân kỳ 2 làn xe không dải phân cách cứng mà cả những tuyến cao tốc 4 làn xe, nhưng chưa được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh theo quy hoạch. Điển hình trong số đó là tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành. Trong những ngày cao điểm trước và sau Tết Giáp Thìn vừa qua, tình trạng kẹt xe, tai nạn trên tuyến đường này liên tục xảy ra do lưu lượng phương tiện tăng mạnh, có nhiều thời điểm bị kẹt cứng, nhất là đoạn gần cầu Long Thành.

Theo phản ánh từ các tài xế, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành rất ngắn, chỉ 26km, nhưng do phương tiện đông, thường xuyên xảy ra tai nạn, sự cố, nên tốc độ lưu thông chậm, thời gian di chuyển bị kéo dài, có khi hàng giờ. Đơn cử, vào ngày 3-2, tại lý trình Km34 + 700 hướng từ TPHCM đi Đồng Nai, một vụ tai nạn liên hoàn giữa 4 ô tô làm kẹt xe kéo dài hơn 10km. Nhiều người dân từ TPHCM đi Long Thành, Vũng Tàu… đã phải chọn lộ trình thay thế theo quốc lộ 1 qua cầu Đồng Nai hoặc đi phà Cát Lái.

Mặc dù thực trạng chất lượng dịch vụ chưa tốt, nhưng mới đây tuyến cao tốc này vẫn được phép tăng phí. Từ 1-2-2024, dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã tăng phí từ 2.000 đồng/km lên 2.100 đồng/km (tăng 5%). Lý giải nguyên nhân, chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, việc tăng phí nhằm mục tiêu đảm bảo phương án tài chính cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp này. Trước đó, ngày 1-9-2023, VEC đã điều chỉnh tăng 10% giá vé đối với một số loại phương tiện xe tải trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tổng giám đốc VEC Phạm Hồng Quang nói, sau thời gian thực hiện chính sách giảm giá theo Nghị quyết số 35/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nếu tiếp tục giữ mức giá cũ, VEC sẽ không thể trả nợ theo phương án tài chính đã được Bộ GTVT phê duyệt. Hiện doanh thu từ thu phí trung bình khoảng 4 tỷ đồng/ngày.

r5a-8440.jpg

Theo kế hoạch trả nợ các dự án từ năm 2024, chi phí trả nợ của VEC sẽ tăng liên tục, trong khi đó các dự án sau thời gian đưa vào khai thác đã đến thời hạn phải sửa chữa trùng tu, sữa chữa. Hiện VEC đang phải thu xếp khoảng 6.000 tỷ đồng để hoàn thành dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; thu xếp hơn 5.334 tỷ đồng trả nợ trái phiếu Chính phủ và lãi phát sinh (đã được Bộ Tài chính trả nợ trước). Năng lực tài chính của VEC càng khó khăn hơn khi trong 2 năm 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kết quả khai thác các dự án do VEC làm chủ đầu tư. Lưu lượng xe sụt giảm đã ảnh hưởng đến doanh thu và dòng tiền hòa chung 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư, gồm: đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Bến Lức - Long Thành; Nội Bài - Lào Cai; TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ùn tắc ngày càng tăng

Bộ GTVT cho biết, dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ. Dự án được khởi công xây dựng năm 2009 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2016. Với chiều dài khoảng 54km, dự án có tổng vốn đầu tư 18.067,539 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 6.274,915 tỷ đồng, VEC huy động khoảng 11.792,624 tỷ đồng.

Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến liên tục tăng cao, trung bình 10,45%/năm. Lưu lượng càng gia tăng hơn nhiều lần khi 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác, nối liền với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, phạm vi cao tốc từ TPHCM (nút giao An Phú) đến Long Thành (nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) dài khoảng 26km đã khai thác vượt quá mức năng lực thông hành của tuyến.

Theo đơn vị vận hành khai thác, lưu lượng phương tiện di chuyển vào cao tốc mỗi ngày là 60.000 lượt xe, những ngày cao điểm đến hơn 78.000 lượt xe (tại trạm thu phí ở TPHCM), gần gấp đôi năng lực vận tải của tuyến đường. Để giảm tải lưu lượng phương tiện vào các giờ cao điểm và khi xảy ra sự cố, đơn vị quản lý vận hành đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông. Song, các biện pháp này dẫn đến giảm chất lượng khai thác đường cao tốc, không đảm bảo về vận tốc lưu thông, gây khó chịu cho người lái xe…

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng, tình trạng các tuyến cao tốc bị quá tải, thường xuyên ùn tắc như TPHCM - Long Thành gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp khi thời gian lưu thông dài hơn, chi phí vận tải tăng cao. Tuyến đường này vẫn thu phí và tăng giá trong khi chất lượng dịch vụ không tương xứng là không công bằng với doanh nghiệp. Tỉnh Đồng Nai cũng đã nhiều lần có ý kiến đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành. Nếu không khẩn trương, tình trạng sẽ càng trở nên nghiêm trọng khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2026.

Ông PHAN CÔNG BẰNG, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM:

Nếu không mở rộng gấp, tình hình giao thông sẽ rất phức tạp

Về kế hoạch mở rộng đoạn cao tốc trên địa bàn TPHCM, Sở GTVT đã đề xuất UBND TPHCM cân đối vốn ngân sách khoảng 1.037 tỷ đồng để mở rộng từ 6 lên 8 làn xe trong giai đoạn 2024-2026 và đã được Bộ GTVT đồng ý. Đường cao tốc TPHCM - Long Thành đoạn qua thành phố hiện mặt bằng đã sẵn sàng để triển khai thi công. Tuy nhiên làm đoạn qua TPHCM mà không mở rộng đồng bộ toàn tuyến cũng không giải quyết được gì, vì khi đó ùn tắc cục bộ sẽ lớn hơn, lượng xe dồn lên cao tốc rồi ách tắc đoạn đi qua Đồng Nai. Chúng tôi rất lo ngại, nếu không khẩn trương mở rộng cao tốc thì tình hình giao thông sẽ rất phức tạp.

Đặc biệt, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác thì việc kết nối giao thông giữa sân bay này với sân bay Tân Sơn Nhất tổ chức như thế nào, kể cả cao tốc và đường sắt, trong khi cao tốc TPHCM - Long Thành đã vượt giới hạn năng lực thông hành. Do vậy, đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành là hết sức cấp bách.

Năm 2023, xảy ra 119 vụ va chạm, 305 vụ ùn ứ giao thông

Hiện dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã thu hồi được 21,6% vốn so với tổng mức đầu tư đã được cập nhật tại Tờ trình số 3005/TTr-VEC ngày 07-11-2023, cụ thể là 3.895,14/18.067,539 tỷ đồng. Căn cứ dự báo dòng tiền ở thời điểm hiện tại, dự án đạt điểm hòa vốn vào năm 2038.

Năm 2023, trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, làm 4 người chết, 4 người bị thương; 199 vụ va chạm và 305 vụ ùn ứ giao thông. Các sự cố giao thông thường xuyên xảy ra trên đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao quốc lộ 51.

Theo một lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (C08), thời gian gần đây, ngày nào đơn vị cũng cử lực lượng để điều tiết phương tiện lưu thông. Đường cao tốc TPHCM - Long Thành quá tải nên phương tiện di chuyển rất chậm và thường xuyên ùn ứ kéo dài từ quốc lộ 51 đến nút giao An Phú, TPHCM. Hiện đơn vị phối hợp Đội CSGT Cát Lái bố trí lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông về hướng xa lộ Hà Nội, đồng thời hạn chế xe vào cao tốc.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục