Gấp rút mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Bài 2: “Cù cưa” vì tìm vốn

Trước tình trạng quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc sau chỉ ít năm đưa vào khai thác, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành đã được lên kế hoạch mở rộng từ năm 2019. Tuy nhiên cho đến nay, sau 5 năm mọi thứ vẫn nằm trên giấy.

Ùn ứ phương tiện giao thông tại Trạm thu phí đường cao tốc Dầu Giây - Long Thành - TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ùn ứ phương tiện giao thông tại Trạm thu phí đường cao tốc Dầu Giây - Long Thành - TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Vẫn đang nghiên cứu phương án

Nhận thấy ùn tắc trên tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành ngày càng nghiêm trọng, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều thống nhất việc mở rộng từ 4 làn xe lên 8-10 làn xe nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng miền Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Điều này cũng phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được quy hoạch với quy mô 10 làn xe).

Hiện, đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 dài 4km đang được UBND TPHCM triển khai đầu tư xây dựng mở rộng 2 bên, mỗi bên 4,75m, đảm bảo quy mô 8 làn xe, bề rộng nền đường 36m, khổ cầu tương ứng với khổ đường, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025. Đoạn còn lại từ Vành đai 2 đến Long Thành dài 21,92km đang được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) nghiên cứu đầu tư mở rộng. Trong đó, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+000 - Km8+770) mở rộng lên 8 làn xe; đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 - Km25+920) sẽ được mở rộng lên 10 làn xe.

Đối với cầu Long Thành, VEC đề xuất xây dựng cầu mới với quy mô như cầu hiện tại, quy mô 10 làn xe, có thể không bố trí làn khẩn cấp, kết hợp tổ chức giao thông mỗi bên 5 làn rộng 3,5m. Với quy mô xây dựng như trên, tổng mức đầu tư dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành là khoảng 15.174 tỷ đồng, chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng.

Vấn đề khó khăn nhất vẫn là vốn. Vào tháng 9-2022, VEC đã đề nghị Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tự bố trí nguồn vốn để thực hiện mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành, trong đó vốn nhà nước tham gia 44%, còn lại do doanh nghiệp tự huy động. Nhưng Bộ GTVT lại không chấp thuận phương án này do không còn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bố trí cho dự án như đề xuất.

Mới đây, VEC lại đưa ra 4 phương án huy động vốn để đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành. Cụ thể: Phương án 1, VEC huy động 100% vốn, trong đó 40% là vốn của doanh nghiệp và 60% huy động từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính. Phương án 2, VEC sẽ huy động vốn để đầu tư và có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, trong đó vốn ngân sách nhà nước 46,42%, vốn VEC huy động 53,58%.

Phương án 3, VEC hợp tác Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) huy động vốn để đầu tư, trong đó VEC huy động 57%, SCIC 43% tổng mức đầu tư. Phương án 4, VEC sẽ hợp tác với nhà đầu tư tư nhân để đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, trong đó, vốn nhà đầu tư (VEC và nhà đầu tư khác) huy động 54,42%, ngân sách nhà nước tham gia 45,58% tổng mức đầu tư.

Vì sao lại chọn VEC?

Sau khi xem xét đề xuất của VEC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, trong điều kiện hiện nay, phương án đầu tư với cơ cấu nguồn vốn có sự tham gia của ngân sách nhà nước (phương án 2) là phương án có tính khả thi nhất. Phương án này phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, phát huy lợi thế của VEC hiện đang là chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác. Tiếp tục giao VEC làm chủ đầu tư mở rộng sẽ đảm bảo tính đồng bộ của toàn dự án.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện ngắn hơn do không phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Việc đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án thông qua tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp rồi doanh nghiệp đầu tư vào dự án thì việc thu giá phù hợp với các quy định hiện hành giúp thu hồi vốn đã đầu tư và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Thường trực Chính phủ.

s5a-7624.jpg
Hầm chui tại nút giao An Phú (TP Thủ Đức, TPHCM) đang được khẩn trương xây dựng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy nhiên, phương án VEC kiến nghị đầu tư mở rộng dự án là phương án đầu tư công nên dự án phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn và phải trình Quốc hội cho phép giao vốn trực tiếp cho VEC.

Trường hợp VEC được cấp có thẩm quyền quyết định giao làm chủ đầu tư dự án, các vướng mắc về việc tăng vốn điều lệ, giãn thời gian hoàn trả khoản tiền gốc trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022 - 2027 sang hoàn trả trong giai đoạn 2032 - 2035 và khoản lãi phát sinh của khoản tiền này, VEC hoàn trả trong giai đoạn 2027 - 2036 cần phải được tháo gỡ, giải quyết. Trường hợp VEC không đủ điều kiện được giao làm chủ đầu tư dự án, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Bộ GTVT chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về hình thức đầu tư dự án.

Trên cơ sở phân tích 4 phương án do VEC đề xuất, Bộ GTVT ủng hộ phương án 2. Theo Bộ GTVT, hiện VEC đang quản lý, vận hành khai thác tuyến đường này để thu phí hoàn vốn vay ADB nên việc tiếp tục giao VEC làm chủ đầu tư mở rộng sẽ phù hợp với mục tiêu hình thành VEC là làm chủ đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc tại Việt Nam, trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa đủ năng lực để huy động vốn đầu tư theo phương thức PPP.

Tuy nhiên, hiện vốn điều lệ của VEC rất thấp. Câu hỏi đặt ra liệu VEC có đủ năng lực?

Hiện VEC đã được Nhà nước giao làm chủ đầu tư 5 tuyến đường bộ cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành, với tổng mức đầu tư khoảng 104.998 tỷ đồng, trong đó vốn vay mà VEC phải trả khoảng 58.690 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của VEC chỉ khoảng 1.115 tỷ đồng (gần bằng 2% vốn vay phải trả). Theo các chuyên gia, với số vốn điều lệ như vậy, VEC chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi vay thêm vốn từ các ngân hàng thương mại.

Để đảm bảo tính khả thi về tài chính cho VEC, tháng 2-2024, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC việc tăng vốn điều lệ bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật, phản ánh đúng, đủ, kịp thời nguồn lực nhà nước tại VEC, tạo điều kiện cho VEC góp phần vào việc xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ quốc gia nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Hiện VEC đang thực hiện các thủ tục về tăng vốn điều lệ. Sau khi được tăng vốn điều lệ, VEC sẽ có điều kiện huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại.

Kiến nghị sớm mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành

Theo kế hoạch, năm 2026, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ đi vào hoạt động, nhưng hiện các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành với TPHCM đang là nỗi lo lớn.

Trong đó, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành có 4 làn xe thường xuyên ùn tắc, còn tuyến đường cao tốc Long Thành - Bến Lức, Biên Hòa - Vũng Tàu đang chậm tiến độ.

Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn đầu, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm phê duyệt phương án mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành lên 8 hoặc 10 làn xe và xây dựng tuyến đường sắt trên cao nối Thủ Thiêm - Long Thành để sân bay Long Thành có sự kết nối giao thông đồng bộ từ đường hàng không, đường bộ và đường sắt.

Trước đó, tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra ngày 18-7-2023, ông Võ Tấn Đức cũng kiến nghị đến Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ nhanh chóng triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10-12 làn xe đảm bảo giao thông và phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thống nhất triển khai dự án cầu thay phà Cát Lái, do sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2026 sẽ khiến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thêm quá tải. Việc triển khai dự án này sớm sẽ tạo hiệu quả khai thác sân bay Long Thành cũng như tăng cường giao thông kết nối vùng.

HOÀNG BẮC

Tin cùng chuyên mục