Từ một cặp giống cầy vòi hương ban đầu, nay anh Hồ Duy Trung (thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã gầy được đàn lên đến 60 con và mỗi năm đem lại thu nhập trên dưới 300 triệu đồng.
Mô hình trại cầy vòi hương của anh Trung mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao
Học hết lớp 9, do gia cảnh nghèo khó nên anh Trung phải nghỉ học và bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Sau khi cưới vợ, kinh tế gia đình cũng thiếu trước hụt sau vì chỉ trông chờ vào những sào đất bạc màu. Đến năm 2007, khi nghe tin ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) có trại giống cầy vòi hương có thể đem lại giá trị kinh tế cao, anh liền vay tiền người thân và đến mua một cặp nuôi thử.
Năm 2009, cặp cầy vòi hương này đẻ lứa đầu tiên gồm 6 con cả cái và đực. “Thấy nó đẻ tôi mừng quá, vì trước đó nhiều người cũng mua giống về nuôi nhưng không thấy đẻ. Khi ấy, tôi biết mình đã thành công nên quyết tâm làm giàu từ con vật này. Mỗi năm, một con đẻ 2 lứa, mỗi lứa 4 - 6 con, cầy vòi hương con từ 13 tháng tuổi trở lên đã bắt đầu có khả năng sinh sản”, anh Trung cho biết.
Năm 2011, anh Trung vay 100 triệu đồng đầu tư trang trại lớn hơn. Dần dà trang trại cầy vòi hương của anh cũng được nhiều người biết đến, tìm tới hỏi thăm và mua giống. Với kinh nghiệm chăn nuôi của mình nên khi ai hỏi mua anh cũng hướng dẫn cụ thể và bảo hành 2 năm nếu không sinh sản. Theo anh Trung, đa phần con cái không đẻ là do kỹ thuật cho ăn.
Những năm gần đây, cầy vòi hương có giá trị kinh tế cao (khoảng 1,2 triệu đồng/kg) nên đã kích thích nhiều người tìm giống nuôi. Một cặp con giống giá lên đến 25 triệu đồng nhưng nhiều lúc cũng khan hiếm hàng.
Dẫn chúng tôi thăm trang trại, anh Trung nói: “Cầy vòi hương vốn sống hoang dã, đến mùa sinh sản không nên để ai tới gần. Nuôi cầy vòi hương cực nhất là phải luôn theo dõi giờ động đực, mang thai để cách ly con cái, nếu không con nhỏ ra đời sẽ bị con đực hoặc con cái khác ăn thịt. Và đặc biệt không được đụng vào nó trong thời gian đó”.
Nhờ thu nhập tích lũy được từ cầy vòi hương, anh Trung đầu tư diện tích trồng cây keo lên đến 10ha và khoảng 100 gốc cà phê, mở ra nhiều hướng làm giàu khác. Anh Trung cho biết thêm, hiện anh đang thử nghiệm cho cầy vòi hương ăn trái cà phê do chính mình trồng và sản xuất cà phê chồn để đưa ra thị trường.
Ông Đàm Bàng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành, nhận xét: “Anh Trung là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu của huyện. Mô hình chăn nuôi của anh rất đáng để bà con trong địa phương học hỏi, làm theo. Chúng tôi cũng dự định nhân rộng mô hình này để giúp bà con tìm hướng thoát nghèo”.
NGUYỄN ĐẮC THÀNH