Ghi nhận từ một dự án xử lý chất thải

Là tỉnh có dân số đứng thứ 5 cả nước và là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, nhu cầu xử lý rác thải trong sinh hoạt, sản xuất công nghiệp tại Đồng Nai ngày càng bức thiết đã dẫn đến sự ra đời của Khu xử lý chất thải xã Quang Trung, huyện Thống Nhất. 

Khu xử lý có công suất 1.200 tấn/ngày, do Công ty CP Dịch vụ Sonadezi làm chủ đầu tư với tổng vốn 647 tỷ đồng, tiếp nhận xử lý rác cho 7 địa phương. Sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, dự án đã phát huy tác dụng và mở ra hướng mới trong tái chế rác thải thành phân bón hữu ích cho cây trồng, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực ra môi trường.

Xử lý rác khép kín

Chúng tôi được anh Nguyễn Văn Ba (Phó Giám đốc Khu xử lý chất thải xã Quang Trung) hướng dẫn tham quan nhà máy. Rác được các xe vận chuyển về tập kết ở phân xưởng tiếp nhận rác (công suất 1.000 tấn/ngày), sau đó đưa lên băng chuyền với 28 người trực/ca để phân loại rồi chuyển qua 2 nhà ủ hoai (khoảng 20 ngày), đến ủ chín (với 3 nhà ủ, trung bình 30-35 ngày) và sau cùng là tinh chế ra mùn compost. Sau khi phân loại, với chất thải (rác trơ) không tái chế được thì được chuyển sang chôn lấp với tỷ lệ dưới 15% và đáng chú ý là trong khuôn viên nhà máy có một lò đốt rác thải nguy hại có công suất 24 tấn/ngày, tro sau khi đốt được chôn lấp an toàn theo quy định. Vì là nhà máy xử lý chất thải, rác thải nên vẫn có mùi đặc trưng trong khu vực tiếp nhận rác, ủ hoai và ủ chín; sang đến lò đốt rác và phân xưởng tinh chế thì mùi hôi mất dần và ở khu văn phòng cách các phân xưởng khoảng 300-400m thì không còn mùi của rác. 

Kết quả đó có được là nhờ từ năm 2016 công ty đã đầu tư làm phân xưởng tinh chế ra mùn compost, đầu tư hệ thống thu khí để khử mùi theo quy trình công nghệ châu Âu. Về cơ bản đã kiểm soát được mùi, không để mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh. Hàng năm, công ty còn phát động các đợt trồng cây để tạo màu xanh trong khuôn viên nhà máy; đến nay, nhiều cây đã cao hơn 3m, qua đó góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho CB-CNV toàn công ty.

Ghi nhận từ một dự án xử lý chất thải ảnh 1 Mùn compost được sản xuất từ rác thải làm phân bón

Theo lời anh Nguyễn Văn Ba, nhà máy hoạt động cả những ngày tết với 250 công nhân trực tiếp vận hành (khoảng hơn 90% là dân địa phương), mức thu nhập bình quân khoảng 12 triệu đồng/người/tháng. Công nhân được khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm, tất cả đều được đảm bảo phụ cấp độc hại, được hỗ trợ xăng xe đi lại, mức tối thiểu là 300.000 đồng/tháng và tối đa là 1 triệu đồng/tháng. Khi nhà máy mới vận hành, công nhân từ TP Biên Hòa, Trảng Bom phải đi xe buýt nhưng từ năm 2015, công ty có xe đưa rước công nhân…

Vai trò của phân loại rác tại nguồn

Ông Trần Anh Dũng (Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi) cho biết: Năm 2009, khi đi vào hoạt động, nhà máy tiếp nhận bình quân 400 tấn rác/ngày và hiện nay đã tăng lên 800-1.000 tấn/ngày nhưng quan điểm của công ty là không sử dụng hết công suất 1.200 tấn/ngày; cứ 6 tháng/lần trong khuôn viên dự án đều được khoan lấy mẫu nước ngầm để đánh giá tác động môi trường nước và tổ chức cho người dân tham quan nhà máy, có cả đại diện giáo xứ vào để trực tiếp quan sát quá trình xử lý rác, cảm nhận thực tế mùi hôi, đồng thời thiết lập đường dây nóng để người dân phản ánh các vấn đề phát sinh liên quan đến quá trình vận chuyển, tác động đến môi trường dân cư. 

Có trực tiếp quan sát dây chuyền phân loại rác mới thấy vai trò quan trọng của phân loại rác tại nguồn trong xử lý rác. Do khâu phân loại rác chưa được đảm bảo nên công đoạn phân loại rác tốn nhiều lao động nhất và cũng là khâu vất vả nhất. Rác tập kết về trộn lẫn cả rác hữu cơ, vật liệu tái chế (ni lông, chai nhựa) và chất trơ (cao su, giẻ lau, gạch, đá) nên việc phân loại dù có cố gắng hết mức cũng không thể loại ra được hết 100% rác tái chế. Theo Ban giám đốc Khu xử lý chất thải, người dân có vào đây tham quan thì mới thấy khâu phân loại rác tại nguồn là quan trọng thế nào. Một khi khâu phân loại rác tại nguồn được đảm bảo sẽ giúp giảm bớt công nhân tham gia phân loại rác và có thể giảm chi phí dịch vụ xử lý rác cũng như rút ngắn thời gian ủ rác. 

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung, cho biết thêm, Công ty Sonadezi đang sử dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến, nhưng vì lượng rác đưa về xử lý tại nhà máy quá lớn nên có thời điểm mùi hôi vẫn còn. Khi có ý kiến của người dân, chính quyền xã đã liên hệ với công ty để xử lý, đồng thời UBND huyện cũng thiết lập tổ giám sát do một phó chủ tịch huyện phụ trách, kịp thời kiểm tra khi có phát tán mùi hôi. Phía công ty đã rất cầu thị đầu tư hệ thống xử lý dứt điểm mùi hôi và trong thời gian tới, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, phối hợp với ngành chức năng cùng công ty xử lý kịp thời những vấn đề có thể phát sinh.

Tin cùng chuyên mục