Mặc dù không phải mùa cao điểm đánh bắt cá ngừ đại dương, sản lượng loại cá này cũng ít nhưng hàng ngàn ngư dân miền Trung đang khốn khổ vì giá bán cá sụt giảm liên tục. Trong khi đó, mô hình thu mua cá theo chuỗi nhằm hạn chế việc thao túng giá đã triển khai nhưng không phát huy hiệu quả.
Cá ít, giá giảm
Liến tiếp 3 ngày qua, hàng chục tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương ở các tỉnh Nam Trung bộ gồm Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định nối đuôi nhau cập cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) để chuyển cá lên bán. Theo khảo sát, so với tháng trước thì các chuyến này sản lượng cá đánh bắt được có nhỉnh hơn, bình quân mỗi tàu được 1-1,5 tấn cá. Tuy nhiên, hiện giá cá ngừ đại dương do các tư thương thu mua chỉ dao động 85.000-88.000 đồng/kg, thấp hơn 10.000-12.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng. Ngư dân Trần Văn Tài (xã Phước Đồng, TP Nha Trang), thuyền trưởng tàu cá KH-96635-TS cho biết, sau chuyến biển 25 ngày đánh bắt cá ở Trường Sa, tàu của ông đánh bắt được 1,3 tấn cá ngừ đại dương. Tuy vậy, với giá bán cá hiện nay thì chỉ đủ chi phí chứ không có lãi. “Chúng tôi chỉ lo việc đánh bắt, khi tàu cập bờ, chủ vựa họ mua bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Họ ép giá đủ mọi cách, đặc biệt là chê cá không đạt chất lượng, trong khi đó, quy trình đánh bắt và bảo quản cá chúng tôi đều thực hiện như nhau”, ông Tài bức xúc.
Ngư dân cập cảng Hòn Rớ để bán cá ngừ đại dương
Theo nhiều ngư dân, đây không phải là thời gian cao điểm của nghề đánh bắt cá ngừ ở Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1. Đầu vụ cá năm nay, mỗi tàu cập cảng sau chuyến đánh bắt dài ngày đem về từ 2,5-3 tấn cá. Vào thời điểm này, giá cá được các thương lái thu mua khoảng 100.000-110.000 đồng/kg nên ngư dân có lãi khá. Nhưng không hiểu sao, khi nguồn cung cá ngừ ít, giá cá lại giảm liên tục, đi ngược lại với quy luật cung - cầu và khác hẳn với những năm trước đó. Ngư dân Nguyễn Hữu Thành, thuyền viên tàu cá KH 92259-TS, cho biết chuyến đi biển này tàu của anh đánh bắt được 30 con cá ngừ đại dương, ước đạt hơn 1 tấn. Chi phí chuyến đi lên tới 80 triệu đồng nên sau khi trừ các chi phí mỗi lao động trên tàu chỉ còn được vài triệu đồng/chuyến. “Chúng tôi hỏi thương lái vì sao giá mua cá thấp, họ chỉ bảo do thị trường tiêu thụ hạ mức thu mua, chất lượng cá giảm nên giá trong nước phải giảm theo. Do không có nguồn đầu ra nào khác, nên chúng tôi chỉ biết bán”, ông Thành bày tỏ.
Luẩn quẩn đầu ra
Nghề khai thác cá ngừ được xem là thế mạnh của ngư dân các tỉnh miền Trung, đặc biệt là tại các tỉnh Nam Trung bộ. Thế nhưng, thực tế từ trước đến nay nghề khai thác cá ngừ luôn trong tình cảnh chông chênh bởi giá cả luôn biến động, kể cả chuyện thao túng giá từ các doanh nghiệp thu mua. Trong khi đó, chính quyền các cấp lại ít màng đến chuyện này. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang), cho biết mấy ngày qua trung bình mỗi tàu câu cá ngừ câu được từ 15-40 con, nhưng hiện đang vào cuối vụ, kích cỡ cá nhỏ nên sản lượng không cao. Ông Hiếu cũng thừa nhận hiện giá cá ngừ đại dương được các đầu nậu thu mua là quá thấp, ngư dân thất thu nặng. Tuy nhiên, khi được hỏi có chuyện ngư dân bị ép giá quá mức không, ông Hiếu cho biết, phía ban quản lý không kiểm soát được giá. Giá thu mua cá do các đầu nậu quyết định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa đều khẳng định giá thu mua cá năm nay giảm hơn mọi năm. Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Công ty Hải sản Bền Vững, đơn vị chuyên thu mua cá ngừ, cho biết giá cá ngừ năm nay giảm vì nhiều lý do, nhưng lý do cốt lõi nhất là vì chất lượng cá năm nay không tốt. “Không hiểu vì sao mà trong 5 tháng qua, chất lượng cá đánh bắt được giảm hẳn, điều này chưa từng xảy ra. Nhiều ngư dân nói họ làm theo quy trình đánh bắt theo công nghệ xung điện của Nhật, nhưng chất lượng cá lại giảm. Chúng tôi cũng thiết tha mong các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân”, bà Thanh cho biết. Còn Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa Võ Khắc Én cho biết, nhằm hỗ trợ ngư dân không bị ép giá, mô hình sản xuất cá ngừ theo chuỗi gồm: khai thác ngư trường, bảo quản sản phẩm; vận chuyển, thu mua; chế biến và tiêu thụ sản phẩm… đã được triển khai tại các tỉnh có khai thác cá ngừ. Tuy nhiên trên thực tế, mô hình này không phát huy hiệu quả. “Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, một số ý kiến đề xuất cho rằng nên xây dựng chợ đấu giá cá ngừ đại dương ở cảng cá Hòn Rớ, để việc mua bán minh bạch, tăng sức cạnh tranh giữa các chủ nậu, nhưng đó chỉ mới là ý tưởng”, ông Én nói.
VĂN NGỌC