Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt việc huy động chứng chỉ vàng từ đầu tháng 5-2012, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã “lách” bằng cách chuyển qua hình thức giữ hộ có chia lợi tức. Thế nhưng sau khi NHNN đã gia hạn cho các NHTM được phép huy động vàng dưới dạng chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng đến ngày 25-11-2012 thì hiện nay, một số ngân hàng đã ngưng không huy động vàng nữa mà chỉ giữ hộ có thu phí.
Cấm chuyển đổi vàng sang VNĐ
Tuần qua, NHNN đã ban hành Thông tư 12/2012/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2011/TT-NHNN về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Theo đó, NHNN quy định, tổ chức tín dụng không được huy động vốn bằng vàng, trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả. Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng phải chấm dứt vào ngày 25-11-2012.
Trước đây, NHNN cho phép một số NHTM được phép chuyển đổi một phần nhất định trong số vàng huy động để bình ổn thị trường tại những thời điểm cần thiết và mua vàng trên tài khoản quốc tế để cân bằng trạng thái. Thế nhưng tại Thông tư 12, NHNN đã quy định rõ, tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng dưới mọi hình thức thành đồng Việt Nam hoặc các hình thức bằng tiền khác; không được sử dụng vàng huy động để cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay tại tổ chức tín dụng khác.
Các tổ chức tín dụng đã chuyển đổi vàng thành tiền theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-NHNN ngày 6-10-2011 của Thống đốc NHNN phải tất toán số vàng đã chuyển đổi thành tiền và đóng tài khoản vàng ở nước ngoài theo thông báo của NHNN.
Theo đó, các tổ chức tín dụng phải xây dựng lộ trình, phương án để chấm dứt việc huy động vàng vào ngày 25-11-2012 để gửi Vụ Quản lý ngoại hối, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (thuộc NHNN) để giám sát thực hiện. NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền; báo cáo và đề xuất Thống đốc NHNN xử lý các khó khăn, vướng mắc về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Nhiều ý kiến cho rằng việc gia hạn phát hành chứng chỉ vàng nhằm tăng tiền mặt cho các ngân hàng vì thực tế, nhiều người mua vàng tại các ngân hàng đều không mang vàng về nhà mà chỉ nhận chứng chỉ vàng từ các ngân hàng.
Theo lãnh đạo một NHTM lớn tại TPHCM, việc gia hạn này nhằm tăng tính thanh khoản cho một số ngân hàng khó khăn vì trước đây đã mang vàng cầm cố để vay vốn bằng tiền đồng và ngoại tệ của ngân hàng khách hiện nay chưa thu hồi được nợ.
Chấn chỉnh theo hướng tích cực
Sau khi gia hạn việc huy động vàng bằng chứng chỉ ngắn hạn, hiện việc huy động của các ngân hàng đã không còn nhiều như trước đây. Mặc dù tuần trước, chị Minh Thủy (quận 3) được nhân viên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tư vấn làm hợp đồng giữ hộ vàng với lợi tức được trả cao nhất lên đến 4,6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng nhưng sau khi quyết định rút vàng từ một ngân hàng khác có lãi suất thấp hơn để chuyển sang ngân hàng này thì chị Thủy được trả lời rằng, ngân hàng đã ngưng luôn việc huy động vàng từ ngày 3-5. Nhân viên Ngân hàng SCB cho biết thêm, các khách hàng hiện đã gửi vàng tại ngân hàng trước ngày 3-5 vẫn được áp dụng lãi suất trước đây cho đến khi hết hạn.
Tương tự, khách hàng mang vàng đến Ngân hàng Đông Á gửi vào ngày 8-5 cũng được Ngân hàng Đông Á trả lời không nhận huy động vàng bằng chứng chỉ có lãi suất như trước đây mà chỉ nhận giữ hộ vàng có thu phí và khách hàng phải trả phí kiểm định nếu đem vàng từ bên ngoài vào gửi.
Giải đáp thắc mắc của khách hàng, nhân viên Ngân hàng Đông Á trên đường Trương Định quận 3 giải thích: “Hiện một số ngân hàng vẫn huy động vàng là vì họ cần phải trả các khoản huy động vàng trước đây. Riêng Ngân hàng Đông Á đã ngưng việc huy động vàng bằng chứng chỉ mà chỉ giữ hộ vàng cho khách hàng có thu phí từ 20.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy theo số lượng vàng”. Một số ngân hàng khác vẫn còn huy động chứng chỉ vàng nhưng lãi suất huy động đưa ra thấp hơn so với trước đây từ 0,5-1 điểm %.
Tuy nhiên, sau khi được gia hạn việc huy động vàng bằng chứng chỉ, một số ngân hàng cũng đã huy động trở lại. Chẳng hạn như Ngân hàng Sacombank đã ngưng việc huy động vàng cả năm nay theo định hướng của NHNN nhưng hiện nay ngân hàng này đã bắt đầu huy động vàng lại ở các kỳ hạn ngắn từ 1 - 6 tháng với mức lãi suất từ 2%, 2,5%, 3% và 3,5%/năm ứng với mỗi kỳ hạn.
Lý giải việc các ngân hàng hạ lãi suất huy động vàng hoặc “không thèm” huy động vàng sau khi được gia hạn, nhân viên tín dụng của một ngân hàng cho biết, khoảng 2 tuần trước đây, sở dĩ các ngân hàng đưa lãi suất lên cao để cạnh tranh vì tranh thủ trước khi bị cấm huy động. Nay NHNN đã gia hạn thêm 7 tháng, các ngân hàng thong thả hơn nên đã hạ lãi suất để tránh rủi ro sau này. Hơn nữa, hiện NHNN đã quy định cấm chuyển đổi vàng qua VNĐ dưới mọi hình thức nên các ngân hàng cũng chẳng mặn mà gì với việc huy động vàng.
Còn theo một chuyên gia về tài chính, việc gia hạn huy động vàng dưới hình thức chứng chỉ ngắn hạn là biện pháp tích cực. Việc này sẽ giúp các ngân hàng xử lý những tồn đọng của việc huy động vốn bằng vàng trong thời gian qua. Hơn nữa, NHNN cũng có thêm thời gian để xây dựng đề án huy động vàng trong dân.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng nhiều ngân hàng chuyển từ hình thức huy động bằng chứng chỉ vàng sang hình thức giữ hộ vàng có chia lợi tức, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện đúng nguyên tắc về hoạt động quản lý, bảo quản, giữ hộ vàng, tức là khách hàng phải trả phí cho tổ chức thực hiện dịch vụ theo biểu phí được niêm yết công khai. |
HẠNH NHUNG